Quyết dừng các nhà máy xi măng bên bờ vịnh Cửa Lục trước 2030

Lo ngại gây ô nhiễm cho vịnh Hạ Long, cũng như vịnh Cửa Lục được quy hoạch thành trung tâm của TP.Hạ Long mới, sau khi sáp nhập với huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh quyết dừng hoạt động của 2 nhà máy xi măng bên bờ vịnh Cửa Lục.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Văn Hợp – Chánh văn phòng UBND tỉnh, kiêm người phát ngôn của tỉnh Quảng Ninh – cho biết, dù còn có ý kiến khác nhau của một số bộ, ngành và các chủ đầu tư, nhưng Quảng Ninh vẫn quyết tâm dừng hoạt động của Nhà máy xi măng Hạ Long và Nhà máy xi măng Thăng Long trước năm 2030.

Cảng bốc, dỡ xi măng, clinker của Nhà máy xi măng Hạ Long vươn ra giữa vịnh Cửa Lục. Ảnh Nguyễn Hùng

2 nhà máy này nằm ở xã Thống Nhất và Lê Lợi, bên bờ vịnh Cửa Lục, tiếp giáp với vịnh Hạ Long, từng nhiều lần xả bụi gây ô nhiễm môi trường. Không những vậy, để có nguồn nguyên liệu đá cho 2 nhà máy sản xuất xi măng và clinker, hàng loạt những dãy núi đá vôi phía bên trong sẽ mất dần, ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục.

Việc xây dựng 2 nhà máy này trước đây từng có nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia, các nhà quản lý bởi ở những vị trí khá nhạy cảm về môi trường và cảnh quan đối với vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long.

Dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng Thăng Long tại xã Lê Lợi đi vào hoạt động năm 2008, với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm; trong khi dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng Hạ Long tại xã Thống Nhất, với công suất thiế kế 2,07 triệu tấn xi măng/năm cho sản phẩm từ 2010.

Cả 2 nhà máy này đều được duyệt quy hoạch cho phép mở rộng tiếp giai đoạn 2, với công suất tương đương với các nhà máy hiện nay. Vùng nguyên liệu cho nhà máy giai đoạn 2 cũng đều được các cấp, ngành liên quan phê duyệt.

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh có văn nhiều bản gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh đưa việc đầu tư giai đoạn 2 của 2 nhà máy ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020” ra khỏi quy hoạch; tiến tới chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy hiện nay vào năm 2030. Lý do là nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long và cộng đồng dân cư xung quanh.

Thi công cầu Cửa Lục 1 bắc qua vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, qua nghiên cứu, theo dõi thực tiễn, trong khi các dây chuyền 1 của 2 nhà máy đang hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật; các dây chuyền 2 đang được triển khai đầu tư đảm bảo các quy định pháp lý. Hơn nữa, việc đầu tư giai đoạn 2 sẽ phát huy hơn nữa cơ sở hạ tầng, các hạng mục của giai đoạn 1. Đến nay, một số công đoạn của cả 2 dự án giai đoạn 2 đã được các chủ đầu tư triển khai. Vì thế, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, xem xét về đề xuất của Công ty CP xi măng Hạ Long và Thăng Long để hai công ty được phép tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.

Theo ông Vũ Văn Hợp – Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh – sau khi Hoành Bồ sát nhập vào Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ra nhiều văn bản, chỉ thị về việc quản lý toàn diện vịnh Cửa Lục, từ không gian, cảnh quan tới môi trường.

“Không chỉ có 2 nhà máy xi măng, mà tiến tới sẽ từng bước chấm dứt các nhà máy nhỏ, gây ô nhiễm xung quanh vịnh, nhất là ở KCN Cái Lân. Tổng thể không gian xung quanh vịnh Cửa Lục sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt, để xây dựng nơi đây thành trung tâm đẳng cấp quốc tế” – ông Hợp cho biết.