Thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường tại nhiều địa phương, với 16 loại hình thiên tai chủ yếu như: Bão, dông, lốc, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, động đất đến, hạn hán, xâm nhập mặn…
“Bão” thiên tai
Theo thống kê đến hết ngày 18/11, đã có 13 cơn bão xảy ra trên biển Đông; 264 trận dông, lốc. Mưa lớn kéo dài trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố ở Bắc bộ và Trung bộ. Hậu quả của mưa lớn kéo dài là 114 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 – 22/10 tại khu vực Trung bộ.
Khu vực miền núi phía Bắc xảy ra 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3). Tại đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng trong lúc vẫn bị đe dọa bởi sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển…
Thiên tai đã gây thiệt hại rất lớn về người và của cải. Chưa hết 11 tháng, đã có 281 người chết, 65 người mất tích và 862 người bị thương vì thiên tai. Trong đó, nguyên nhân gây thiệt hại về người lớn nhất năm 2020 là do sạt lở đất. Đã có 132 người chết và mất tích vì nguyên nhân này.
Về nhà ở, đã có gần 3.500 ngôi nhà bị sập, hơn 330 ngàn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và hơn 500 ngàn lượt nhà bị ngập.
Cùng với đó, thiên tai cũng làm thiệt hại nặng về nông nghiệp với gần 200 ngàn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hàng chục ngàn gia súc, hàng triệu gia cầm chết, cuốn trôi.
Nhiều công trình thủy lợi, đê kè, kênh mương, bờ biển, bờ sông bị sạt lở, hư hỏng. Hàng ngàn km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng đất, đá sạt lở lên tới trên 4 triệu m3. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 35.181 tỷ đồng.
“Khúc ruột” miền Trung cần thêm nhiều hỗ trợ
Chịu ảnh hưởng liên tiếp của 8 cơn bão (bão số 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 và 13), 2 cơn áp thấp nhiệt đới và 2 đợt mưa lũ lịch sử kéo dài, miền Trung trở thành “tâm thiên tai” từ giữa tháng 9 tới nay. Theo đó, các tỉnh, thành miền Trung cũng chịu thiệt hại lớn nhất do thiên tai gây ra trong năm 2020 với 249 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế chiếm gần 85% thiệt hại do thiên tai gây ra trên cả nước.
Các đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử), ảnh hưởng và gây thiệt hại đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, đáp ứng đề xuất của các địa phương toàn diện về phương tiện tìm kiếm cứu nạn, gạo cứu đói, sửa chữa nhà ở, các vật dụng thiết yếu, nước sạch, khôi phục sản xuất.
Cụ thể, sẽ có 11.500 tấn gạo sẽ được cấp phát cho các tỉnh miền Trung. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.303,465 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Hà Tĩnh 3.000 tấn gạo, Nghệ An 303,465 tấn gạo và Bình Định 1.000 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5/11/2020 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng. Các địa phương đang rà soát, tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo.
Để kịp thời hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp gần 39 tấn hạt giống cây trồng gồm: giống ngô, rau các loại từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho một số tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa bão. Ngành nông nghiệp kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ trên 1,8 triệu liều vắc xin, 145.000 lít và 225 tấn hóa chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi, thủy sản; 26 triệu con tôm giống, 1,1 triệu con gia cầm giống; 370 tấn thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Về ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm ứng 500 tỷ đồng (các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam: 100 tỷ đồng/tỉnh). Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã trình Thủ tướng hỗ trợ 1.512,6 tỷ đồng cho các tỉnh. Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã vận động quyên góp được 319 tỷ đồng; Trung ương Hội chữ thập đỏ, các tổ chức xã hội, đoàn thể hỗ trợ tiền và hàng với tổng giá trị 73 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, các địa phương vẫn tiếp tục có nhu cầu được hỗ trợ gạo, giống cây trồng, hạt rau giống, thuốc, hóa chất lọc nước, vắc xin và hóa chất khử trùng với kinh phí hồ trợ khẩn cấp lên tới gần 8.000 tỷ đồng.