Theo báo cáo mới đăng trên tạp chí Nature, quy mô của hầu hết các loài động vật hoang dã có xương sống – động vật có vú, lưỡng cư, chim, bò sát và cá – hiện đang ổn định.
Quy mô của hầu hết các loài động vật hoang dã có xương sống – động vật có vú, lưỡng cư, chim, bò sát và cá – hiện đang ổn định.
Đó là kết luận được các nhà khoa học đưa ra trong báo cáo mới đăng trên tạp chí Nature, và những thông tin này hoàn toàn trái ngược với những thông tin được đề cập trong báo cáo định kỳ hai năm một lần do tổ chức môi trường WWF thực hiện.
Nghiên cứu 14.000 quần thể động vật có xương sống được WWF theo dõi kể từ năm 1970, các nhà khoa học phát hiện ra rằng cứ mỗi 1% suy giảm tồi tệ nhất bị loại bỏ, số còn lại trong các quần thể này sẽ nhóm lại với nhau và tiếp tục duy trì sự ổn định về số lượng tổng thể.
Hồi tháng 9 vừa qua, báo cáo Chỉ số Hành tinh Sống của WWF cho biết số lượng trung bình của tất cả các loài động vật được tổ chức này giám sát đã sụt giảm tới 68% – một con số đáng kinh ngạc và gây xôn xao khắp thế giới.
Tuy nhiên, Giáo sư Brian Leung, thuộc Đại học McGill (Canada), đồng thời là một trong số những tác giả chủ chốt của nghiên cứu, khẳng định: “Việc thu gọn tất cả xu hướng của các loài vào một giá trị duy nhất có thể gây ấn tượng rằng mọi thứ đang sụt giảm. Tuy nhiên, điều này không phải là bằng chứng cho thấy hình ảnh về một “sa mạc đa dạng sinh học” trên toàn cầu.”
Trên thực tế, có những khu vực mà hầu hết các loài vật trong một số quần thể động vật nhất định đều nằm trên một đường xoắn ốc đi xuống một cách rõ ràng, như loài chim ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và loài bò sát ở châu Mỹ.
Tuy nhiên, ông Leung cho rằng việc quy chúng vào sự sụt giảm tổng thể có thể gây hiểu lầm.
Ông Leung nêu rõ: “Tham số Chỉ số Hành tinh Sống không thực sự cho thấy quy mô động vật đã sụt giảm 68%. Mặc dù vậy, điều này cũng không đồng nghĩa với việc 99% các động vật đang tồn tại đều đang sống trong điều kiện tốt.”
Theo nhà khoa học này, tổng số động vật trên toàn cầu “đã giảm 42% kể từ năm 1970 đến nay,” tuy nhiên không phải tất cả đều suy giảm trên toàn thế giới. Và sự tăng – giảm về quy mô cũng không đồng đều, trong đó ở một số khu vực – đặc biệt là ở những khu vực có khí hậu ôn hòa, số lượng động vật lại đang tăng lên.
Kết quả nghiên cứu mới này cũng đi ngược lại với báo cáo mang tính bước ngoặt năm 2019 của Ban cố vấn khoa học của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (IPBES), trong đó kết luận rằng một triệu loài động vật trên Trái Đất có nguy cơ tuyệt chủng.
Nhà khoa học Brian Leung nêu rõ: “Động lực lớn nhất của chúng tôi là làm cho khoa học trở nên đúng đắn. Về lâu dài, uy tín của chúng tôi trong lĩnh vực chuyên môn phụ thuộc vào những nghiên cứu này.”
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc các quần thể động vật hoang dã trên toàn cầu ổn định hơn những gì cộng đồng thế giới thường nghĩ cũng nên được coi là một tín hiệu đáng mừng.