Việc khảo sát để đánh giá cấp độ rủi ro, lập bản đồ các khu vực sạt lở đất sát với thực địa là yêu cầu cấp thiết để chủ động ứng phó, hạn chế rủi ro với nguy cơ này trong mùa mưa bão.
Nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao
Trong mùa mưa bão năm nay, ở các tỉnh khu vực (KV) miền Trung đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt lớn về người và tài sản. Trên địa bàn tỉnh, những trận mưa lớn từ cuối tháng 10 đến nay cũng đã làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, nhất là ở các huyện miền núi. Các vụ sạt lở này tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng cũng đã làm hệ thống đường giao thông bị hư hại, chia cắt cục bộ ở một số địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đoàn khảo sát liên ngành do Bộ CHQS tỉnh chủ trì cùng với các sở: GTVT, NN&PTNT, Xây dựng, Công Thương, KH&CN, TN&MT và CA tỉnh đã đi khảo sát thực địa các KV có nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; phân loại, đánh giá ở từng cấp độ để tham mưu cho UBND tỉnh, đặc biệt là Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đề ra các phương án ứng phó hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Qua khảo sát thực tế và đánh giá của các ngành chức năng, đoàn xác định trên địa bàn tỉnh có 12 KV có nguy cơ cao về sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản; có 8 KV có nguy cơ bị chia cắt giao thông, cô lập dân cư khi sạt lở đất xảy ra. Các KV này chủ yếu tập trung ở các huyện: Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Cát và TP Quy Nhơn.
Đơn cử như tại KV Núi Gành (xã Cát Minh, huyện Phù Cát), nơi có 49 hộ/242 nhân khẩu sinh sống dọc theo triền núi được xác định có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. KV này có địa hình sườn dốc hơn 300; nhà dân được xây dựng dọc theo triền núi và chủ yếu là nhà tạm, phần móng không chắc chắn. Do đặc điểm địa hình dốc, đá nằm trên lớp đất nên khi mưa, nước thấm vào làm nền đất yếu. Đồng thời, nước hòa lẫn sét, bột mang xuống phần dưới địa hình, nên rất dễ bị sạt lở.
Tương tự là tại 2 KV của xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh): Điểm cao 566 (thôn O3) và điểm cao 130 (thôn Đăk Tra) đều có độ dốc lớn (khoảng 450), hơn một nửa diện tích người dân đã canh tác, còn lại là rừng sản xuất. Đồng thời, do hoạt động sản xuất của con người nên tính liên kết của địa tầng bề mặt không cao, nếu mưa lớn kéo dài (từ 150 mm trở lên) sẽ có nguy cơ sạt lở xảy ra. Đáng lưu ý là 2 KV này có đến 116 hộ/516 nhân khẩu đang sinh sống.
Trong khi đó, tại KV núi Một (KV 1) và núi Bà Hỏa (KV 5) của phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) có rất nhiều căn nhà nằm san sát từ thấp lên cao đến đường băng cản lửa trên núi, đã tạo ra các tầng, bậc cao thấp trên một độ dốc lớn, nếu đất sạt xuống sẽ san bằng tất cả. Anh L. (một người dân ở tổ 2B, KV 1) chia sẻ: “Điều kiện kinh tế khó khăn nên mới liều làm nhà trên này. Bà con ở đây khi đi ngủ đều dồn lên nhà trước và không dám chốt cửa, để hễ nghe tiếng động sau nhà là tuôn chạy để bảo toàn tính mạng”.
Lập bản đồ, lên phương án ứng phó
Trong quá trình kiểm tra thực tế tại các địa phương, đoàn khảo sát đã tập trung đánh giá thiệt hại về con người, tài sản và ảnh hưởng về kinh tế, giao thông, chia cắt, cô lập nếu sự cố xảy ra. Từ đó, dự kiến những thuận lợi, khó khăn khi triển khai phương án ứng phó, cứu hộ, các lực lượng, phương tiện tham gia…
Theo thượng tá Đỗ Xuân Hùng – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trưởng đoàn khảo sát – cho biết: “Trước mắt, đoàn công tác đề ra một số phương án chính và xác định công tác phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu nên sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng. Đồng thời, các ngành chức năng sẽ tăng cường nắm bắt về tình hình thời tiết; nhất là khi có mưa lớn sẽ cảnh báo để địa phương di dời người dân ở các KV đã xác định có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn. Khi xảy ra sự cố, xây dựng kế hoạch huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục”.
Về giải pháp lâu dài, Bộ CHQS tỉnh và các ngành liên quan sẽ xây dựng bản đồ các KV có nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, phổ biến tới chính quyền các cấp và người dân biết. Một số ngành cũng đề nghị UBND tỉnh rà soát, quy hoạch bố trí lại dân cư, cơ sở hạ tầng an toàn trước thiên tai cũng như xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất tại các KV dân cư có nguy cơ cao. Cùng với đó là rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng sạt lở đất và lũ quét. Bởi rừng có vai trò hết sức quan trọng trong điều hòa dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm cũng như ổn định của các mái dốc sườn đồi.