Sau 2 trận lũ liên tiếp, trên địa bàn Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi (TLCP). Đến nay có 11 xã ở 5 huyện, thị có dịch chưa qua 21 ngày, số lượng lợn nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy lên đến 150 con.
Chiều 19/11, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, từ tháng 10/2020 Hà Tĩnh tái phát dịch TLCP. Sau gần 4 tháng “sạch” dịch thì lần tái phát này số lượng tiêu hủy lớn hơn nhiều so với đầu năm và có nguy cơ bùng phát rất cao.
Dịch TLCP tái phát đầu tại một hộ dân ở xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vào cuối tháng 9/2020. Đến nay đang có 11 ổ dịch ở xã của 5 huyện, thị xã (Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, Hương Sơn) chưa qua 21 ngày với tổng số lợn nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy là 150 con.
Đáng nói, lần phát dịch trước (từ đầu năm đến tháng 9/2020), Hà Tĩnh chỉ có 92 con lợn nhiễm dịch TLCP phải tiêu hủy nhưng từ tháng 10 đến nay, số lợn nhiễm phải tiêu hủy lên tới 260 con. Nghĩa là chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, số lợn nhiễm bệnh nhiều gấp 2,8 lần.
Sau khi dịch tái phát, Hà Tĩnh phải kích hoạt tổng hợp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Dịch được bao vây, dập tại chỗ. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp 23.000 lít hóa chất về các địa phương để chống dịch và xử lý môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm sau ngập lụt.
“Hiện nay, dịch tái phát chưa nhiều, chủ yếu mỗi xã có một hộ nuôi bị nhiễm dịch TLCP nhưng nguy cơ dịch bệnh sắp tới rất cao”, ông Trần Hùng nhấn mạnh. Nguyên nhân dẫn tới nguy cơ bùng phát cao, theo vị Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh do cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Cụ thể, sau khi dịch TLCP được Hà Tĩnh kiểm soát tương đối tốt, giá lợn lại tăng “phi mã”, người chăn nuôi tổ chức tái đàn nhiều, tổng đàn lợn của Hà Tĩnh hiện nay khá lớn, xấp xỉ 400.000 con. Kéo theo đó, số hộ chăn nuôi lợn tăng lên nhiều.
Đặc biệt, sau các đợt mưa, bão, Hà Tĩnh có nhiều địa phương ngập lụt kéo dài, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm rất nặng. Cùng với diễn biến dịch TLCP phức tạp ở các địa bàn khác trên cả nước, nguy cơ phát tán, lây lan ra diện rộng ở Hà Tĩnh rất cao.
Sau khi kiểm tra thực tế các ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cũng nhận thấy, ý thức và công tác phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn một số hạn chế. Có một số hộ mua con giống không rõ nguồn gốc.
Ở các gia trại chăn nuôi tổng hợp với nhiều vật nuôi, việc đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi không đảm bảo. Có một số trường hợp, phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân tự kêu người điều trị, không khai báo kịp thời, dẫn tới phát tán, lây lan dịch, khiến công tác phòng chống dịch gặp khó.
Ngành chăn nuôi Hà Tĩnh khuyến cáo, để hạn chế dịch bệnh nguy hiểm này lây lan diện rộng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Nếu người chăn nuôi tái đàn, cần xem xét kỹ điều kiện về an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Công tác cách ly, tiêu độc khủ trùng ở môi trường chăn nuôi và phương tiện dịch vụ chăn nuôi phải được thực hiện nghiêm cẩn. Ngoài dịch TLCP cần phải phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
“Bất cứ người chăn nuôi nào khi phát hiện trường hợp lợn ốm, chết bất thường cần báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y cơ sở để xử lý dịch bệnh kịp thời. Chính quyền cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống dịch, phát động tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, rà soát tổ chức tiêm phòng. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chốt kiểm soát để tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ…”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh.