Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình tập trung khắc phục hậu quả bão số 13 để học sinh sớm đi học trở lại.
Ngày 16-11, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt gắn với tái thiết phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.
Ngành giáo dục chú trọng giải pháp để học sinh các vùng thấp trũng sớm trở lại trường học đảm bảo an toàn, tính đến phương án mượn cơ sở vật chất đối với các trường ngập úng lâu ngày. Đồng thời rà soát, ưu tiên hỗ trợ sách giáo khoa, bàn ghế. Ngành y tế chỉ đạo các phòng, ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát sau bão lũ; chuẩn bị cơ sở, vật tư y tế để sẵn sàng phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 nếu có.
Tại Thừa Thiên-Huế, mặc dù bão số 13 không gây thiệt hại về người nhưng đã làm sập sáu nhà; 4.687 nhà, nhiều trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái. Bão số 13 cũng làm gãy đổ 90 ha rừng trồng, gần 200 cây xanh đường phố; nhiều tàu thuyền bị sóng đánh hư hỏng, chìm. Toàn tỉnh có khoảng 14 km bờ biển bị xói lở nặng với chiều dài 14 km, nhiều địa điểm sạt lở trên sông Hương và sông Bồ.
Ngày 16-11, ông Mai Văn Minh, Phó Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, cho biết nhờ chủ động ứng phó với cơn bão kịp thời nên cơn bão số 13 không có thiệt hại gì đáng kể. Theo thống kê, tại xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) có khoảng 150 nhà bị tốc mái, trong đó có căn nhà của bảy hộ dân bị tốc mái nặng.
Đặc biệt, trong đợt bão vừa qua, địa phương này có một trường tiểu học bị tốc mái hoàn toàn, nhiều cơ sở vật chất trong trường bị hư hỏng nặng nên chính quyền địa phương đã phối hợp với giáo viên tận dụng nhà văn hóa thôn làm điểm dạy học, hỗ trợ tiền để khắc phục thiệt hại trước mắt.
Ghi nhận tại huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy, trong ngày 16-11, hầu hết bà con đã dần ổn định, phần lớn các nhà dân bị tốc mái nhẹ đã được lợp ngói, hoạt động buôn bán của người dân trở lại bình thường.
Ông Mai Văn Minh cho biết: Nhận thấy sự phức tạp của cơn bão số 13, chính quyền đã chủ động thông báo sớm cho người dân thực hiện việc chằng chống nhà cửa, di dân, đồng thời kêu gọi tàu thuyền về bờ neo đậu an toàn.
Ông Minh cho hay sau khi cơn bão số 13 đi qua, tỉnh Quảng Bình chỉ ghi nhận được một số trường hợp tàu thuyền bị chìm do neo đậu không đúng cách, những thương vong về người đều không xảy ra. Theo thống kê, đến ngày 16-11, tỉnh Quảng Bình ghi nhận được 1.886 nhà ở bị tốc mái. Trong đó, huyện Quảng Ninh có 16 nhà, huyện Bố Trạch có 1.197 nhà, thị xã Ba Đồn có 661 nhà, huyện Tuyên Hóa có 10 nhà.
Nắn dòng để tìm nạn nhân
Về việc tìm kiếm công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng cho biết sau nhiều ngày bị gián đoạn vì thời tiết xấu do ảnh hưởng của bão số 13 thì vào sáng nay (17-11) sẽ nối lại việc tìm kiếm 12 người còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 nếu điều kiện thuận lợi. Kế hoạch tìm kiếm trong giai đoạn 3 sẽ là đoạn sông Rào Trăng ngay cạnh hiện trường sạt lở trước đây. Lực lượng chức năng sẽ ngăn dòng sông Rào Trăng và mở một nhánh mới để chuyển nước về hạ nguồn. Việc ngăn dòng sông và tìm kiếm sẽ được thực hiện kỹ lưỡng và đồng bộ giữa nhiều cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn trong quá trình tìm kiếm. Yêu cầu xử lý thủy điện Thượng Nhật vì tự ý tích nước Ngày 16-11, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã chỉ đạo Sở TN&MT và huyện Nam Đông lập biên bản vi phạm của chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông). |