Thuế nhựa được kỳ vọng sẽ là một giải pháp hiệu quả trong việc hạn chế tiêu dùng nhựa.
Bên cạnh các nỗ lực tái chế và tìm kiếm vật liệu thay thế, việc hạn chế tiêu dùng nhựa thông qua thuế sử dụng nhựa là một giải pháp được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao hơn.
Lịch sử nhân loại từng ca tụng sự xuất hiện của nhựa như cuộc cách mạng cho xu hướng đóng gói toàn cầu. Năm 1973, nhà khoa học Nathaniel Wyeth đã được cấp bằng sáng chế cho chai PET đầu tiên với các tính năng vượt trội như nhẹ, an toàn, rẻ và có thể tái chế. Nói cách khác, chai nhựa là vật chứa hoàn hảo so với thủy tinh, nhôm, inox về cả sự tiện lợi lẫn chi phí.
Từ một phát minh vĩ đại, nhựa giờ đây lại bị xem là vật liệu đáng nguyền rủa khi là nguyên nhân gây tử vong cho gần 100.000 sinh vật biển mỗi năm, theo Tổ chức Bảo tồn Đại Dương (Ocean Conservancy). Thông qua chuỗi thức ăn, nhựa còn đe dọa sức khỏe của hàng tỉ người bởi sự tích tụ các chất độc hại do ăn phải các loại thủy hải sản, muối ăn, uống nước có chứa vi nhựa hoặc hít phải vi nhựa trong không khí.
Ông Ramani Narayan, Giáo sư Kỹ thuật hóa học tại Đại học Bang Michigan (Mỹ) chia sẻ: “Bản chất vấn đề ô nhiễm này không đến từ nhựa mà từ sự lạm dụng quá mức của con người và việc sử dụng nhựa sai cách ở cuối vòng đời của chúng”. Nhìn chung, các giải pháp hiện nay được chia thành 2 loại: nỗ lực thay thế việc sử dụng chai nhựa và tìm cách mới để xử lý khi chúng bị vứt bỏ.
Nhưng việc tái chế thậm chí còn tốn nhiều chi phí hơn là sản xuất mới, còn về giải pháp thay thế thì “nhựa sinh học cũng không thể giải quyết được vấn đề. Đừng nghĩ rằng chúng ta cứ việc sử dụng rồi vứt bỏ ở bất cứ đâu cũng được vì chất liệu đó sẽ biến mất một cách an toàn. Không ai có thể tạo ra một thứ như vậy, ngay cả thiên nhiên cũng không”, ông Ramani Narayan nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia như Thụy Điển đã bắt đầu đánh thuế carbon để chống biến đổi khí hậu. Châu Âu cũng đã thông qua đề xuất đánh thuế nhựa và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.
Ông Christopher Knittel, Giáo sư Kinh tế ứng dụng tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho biết: “Về cơ bản, bạn gây ô nhiễm, bạn phải trả tiền, nhựa cũng vậy. Nếu mục tiêu của thuế này là định giá thiệt hại mà ô nhiễm nhựa gây ra thì bạn đang làm cho thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Từ góc độ này, thuế nhựa thực sự là một loại thuế tốt”.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mỗi năm nước ta thải ra môi trường trên 1,8 triệu tấn rác nhựa, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, lượng tiêu thụ nhựa trung bình trong năm 2019 là 41,3 kg/người, gấp 10 lần so với lượng tiêu thụ vào năm 1990, đặc biệt lượng rác thải nhựa đã tăng 200% trong năm qua.
Thuế nhựa sẽ có lợi ích kép trong điều kiện lý tưởng. Đầu tiên, loại thuế này khuyến khích những người gây ô nhiễm sản xuất ít nhựa hơn bằng cách chuyển sang các vật liệu bền vững. Thứ 2, doanh thu từ thuế sẽ được dùng để tài trợ cho các dự án năng lượng xanh hoặc được trả lại cho cư dân địa phương như một khoản lợi tức, theo IHS Markit.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cũng từng chia sẻ: “Nhựa mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, chỗ của nhựa không phải là nằm ngoài môi trường. Vấn đề ở đây là cần đưa nhựa về đúng vị trí trong nền kinh tế, không chỉ tái chế, tái sử dụng, tự phân hủy mà còn sử dụng ít nhựa hơn”.
Nhận thức rõ vai trò của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20.8.2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ liên quan bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa… Đây là một hành động rất thiết thực, nhưng vẫn cần xác định cụ thể hơn về thời gian hoàn thành cũng như khung giá áp dụng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cần vào cuộc để có những bằng chứng thuyết phục hơn. Vào ngày 6.11 vừa qua, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) đã phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp chính thức khởi động chiến dịch truyền thông sáng tạo mới mang tên Nhân Nhựa. Cuộc hành trình truy tìm Nhân Nhựa sẽ đưa ra những dữ liệu đáng tin cậy và các kiến thức khoa học góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, gián tiếp hỗ trợ các chính sách công giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.