Sau lũ tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, gỗ đủ loại tràn ngập trên các dòng sông và lòng hồ thủy điện. Vậy gỗ từ đâu về?
Gỗ tràn ngập sau lũ!
Những năm qua đến mùa mưa lũ là gỗ từ thượng nguồn đổ về các lòng hồ thủy điện, nhưng năm nay bất thường, cả Quảng Nam và Quảng Ngãi ngay sau bão lũ, gỗ tràn về kín chân cầu Nước Bua, ở xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Còn ở Quảng Nam, hàng nghìn khối gỗ đủ các loại dày đặc trên lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2 và sông Leng…
Tại Quảng Nam ngay sau vụ sạt lở núi ở Trà Leng, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn ngoài tập trung tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường còn huy động đến 20 ca nô và nhiều phương tiện khác để tìm kiếm đường thủy trên sông Leng và lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2.
Thế nhưng gỗ dày đến mức các ca nô này không thể hoạt động được. Ước tính gỗ phủ trên mặt hồ thủy điện này dày đến 0,4 m. Nhiều cây gỗ đường kính lớn trên 50 cm.
Người viết bài này cũng đã vượt đường thủy để đi vào hiện trường vụ sạt lở đất ở Trà Leng nhưng khi trở ra thì không thể đi bằng đường thủy vì gỗ dày đặc, do đó phải đi bằng đường bộ. Tại Quảng Nam không chỉ có Thủy điện Sông Tranh 2 mà Thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Leng cũng có gỗ các loại phủ kín mặt nước sau lũ.
Còn tại Quảng Ngãi người dân huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã phải kinh ngạc với lượng gỗ đổ về sông Bua trong trận lũ mới đây. Có đến hàng trăm lượt người dân đã đổ xô ra sông vớt gỗ, cưa xẻ ngay bên dưới chân cầu Nước Bua.
Vì lượng gỗ lớn uy hiếp cây cầu, chính quyền phải huy động nhân công và máy móc trục vớt gỗ để khơi thông dòng chảy, đảm bảo việc thoát lũ cũng như bảo vệ cây cầu Nước Bua.
Chúng tôi đã mắt thấy, nhiều cây gỗ rừng có đường kính từ 40-50 cm, dài hơn 8 m đổ về nằm ngổn ngang ở các cồn cát, theo dọc theo sông Bua và bủa vây dưới chân cầu, còn người dân thì đua nhau trục vớt gỗ. Nếu số gỗ này không được trục vớt kịp thời thì sự đe dọa an toàn cho cây cầu Nước Bua là thấy rõ.
Gỗ từ đâu về?
Theo phỏng đoán của nhiều người dân địa phương, gỗ này trôi từ rừng Trường Sơn xuống sông Bua trong mưa lũ. Nhiều người còn nói thẳng “gỗ phá rừng chứ gỗ từ đâu”. Do vận chuyển không hết bỏ lại nên lũ lụt đã cuốn về đây.
Gỗ dày đặc phủ kín dòng sông, lòng hồ thủy điện, thế nhưng theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh 2 Nguyễn Văn Lân: “Lượng rác và cây cối đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 không đáng kể. Lượng rác này chủ yếu cành cây keo của người dân trồng…”.
Còn ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho rằng, gỗ trên sông Leng và Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ là rác, cành nhánh nhỏ lũ lụt vừa rồi trôi xuống, hơn nữa lòng hồ lưu lượng rộng lớn nên các sông suối đổ về cuốn theo những thứ này.
Còn ông Nguyễn Đại, Trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, gỗ trôi xuống cầu Sông Bua chủ yếu là gỗ từ xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam (giáp tỉnh Quảng Ngãi) là nơi xảy ra sạt lở núi liên tiếp do bão số 9; số khác bị khai thác trái phép ở thượng nguồn rồi bỏ lại trên núi, bị nước lũ trôi xuống.
Thế nhưng ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Huyện Nam Trà My đã quản lý, giữ rừng rất chặt chẽ vì giữ rừng nguyên sinh để trồng sâm nên nói phá rừng thì không đúng. Tôi khẳng định Nam Trà My không phải là điểm nóng phá rừng”.
Nhưng ông Tích cũng cho rằng, thực tế gỗ tràn về sau lũ là gỗ mục đủ loại, mấy năm trước lũ ít nên không trôi xuống, còn năm nay lũ quá lớn nên những loại gỗ tồn đọng của nhiều năm trong quá trình xây dựng thủy điện nước dâng lên cây chết, gỗ mục gãy ra, hoặc do biến đổi khí hậu hay do hay khai thác khoáng sản trái phép, người dân khai thác làm nhà và cũng không ngoại trừ có những vụ phá rừng.
“Có rất nhiều nguyên nhân, bên kiểm lâm cũng chưa có báo cáo cụ thể, nhưng rất khó xác định đâu là nguyên nhân chính sau lũ gỗ tràn về lòng hồ nhiều”, ông Tích nói.
Có thể thấy rằng, dù gỗ mục, gỗ khô hay gỗ còn tươi, dù là gỗ nhỏ nhánh cành hay gỗ lớn, nếu không có sự triệt hạ rừng thì không thể có các loại gỗ này. Những hình ảnh chúng tôi ghi lại thì không thể nói rằng, đó là rác và nhánh cành, càng không thể nói là số lượng ít.
Vậy gỗ từ đâu về và gỗ này từ đâu ra? Trả lời được câu hỏi này chính xác thì sớm mới ngăn chặn được tình trạng phá rừng đáng lo ngại hiện nay.