Nửa tháng trở lại đây, tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra các vụ sạt lở kinh hoàng, hàng chục người tử vong và mất tích. Hàng trăm điểm sạt lở khác cũng xảy ra ở khắp nơi ven đường giao thông, ven sông, suối, trong rừng – xa khu dân cư… Hiện, mưa vẫn trút xuống vùng núi tỉnh này khiến những quả đồi “ngậm no nước” có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Do đó, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp tạm thời để đảm bảo an toàn cho người dân.
Liên tục xảy ra sạt lở ở miền núi Quảng Nam
Mới đây, vào 15h ngày 11.11, đất đá từ trên núi bất ngờ sạt lở xuống Quốc lộ 40B (đoạn thuộc địa phận thôn 4, xã Trà Tân, gần thủy điện Sông Tranh 2). Lúc này, đoàn từ thiện có 9 người dân di chuyển qua. Họ đang dọn dẹp đường đất đá để di chuyển thì cả một mảng núi đột ngột trút ào ạt xuống đường. 5 người trong số họ vứt bỏ xe máy và kịp tháo chạy thoát thân, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu, 1 người vẫn đang mất tích.
Đây là một trong cả trăm vụ sạt lở ở Quảng Nam, tuy nhiên vô tình được người dân ghi lại toàn bộ nên cộng đồng mới chứng kiến, cảm nhận được phần nào cảnh tượng kinh hoàng của sạt lở đã và đang gây ra tang thương, mất mát ở các ngôi làng, tuyến đường khắp miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Trong chiều ngày 12.11, tại điểm sạt lở này lại tiếp tục xảy ra sạt lở, trong khi hàng chục cán bộ, chiến sĩ, dân quân trên địa bàn huyện tham gia tìm kiếm người mất tích bên dưới. Rất may, tất cả đã kịp thời chạy thoát thân.
Ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – cho biết, hiện Quốc lộ 40B đã ngăn cấm người qua lại và bố trí chốt chặn hướng dẫn người dân đi đường tránh. Đối với những điểm nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao thì huyện giao cho địa phương rà soát và cần thiết thì cấm người dân qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng cho họ.
Giải pháp tạm thời
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết, nhiều ngày qua mưa lớn trên địa bàn đã gây sạt lở nhiều nơi. Đặc biệt, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Bửu, đường ở huyện vùng cao thường quanh co theo núi và kéo dài hàng trăm kilômét nên khó trong việc cảnh báo cho người dân. Tuy nhiên những điểm có dấu hiệu, nguy cơ sạt lở và nơi từng bị sạt lở sẽ đặt biển cảnh báo nguy hiểm đối với người dân. Đồng thời, tuyên truyền người dân để đề phòng tình trạng sạt lở núi.
“Không ai có thể biết sạt lở lúc nào, ở đâu, nên lực lượng chức năng trước mắt khuyến cáo người dân và chủ động đặt biển cấm, cảnh báo những nơi nguy hiểm, còn “ngăn sông cấm chợ” là không thể được”- ông Bửu nói.
Tại Nam Trà My cũng là một trong những điểm nóng của sạt lở, nhiều ngôi làng bị “xóa sổ”, 30 người mất tích, tử vong.
Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho biết, mưa liên tục trên địa bàn, đặc biệt theo dự báo thời tiết Quảng Nam sẽ bị bão số 13 đổ bộ, tiếp tục gây mưa lớn trên địa bàn huyện.
“Hiện nay, huyện đã di dời các hộ ở vùng nguy hiểm, có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đến nơi ở an toàn từ đầu tháng đến nay. Và huyện tiếp tục bố trí nơi ở cho người dân đến khi nào hết mưa trên địa bàn mới để họ về. Còn tình hình hiện tại khuyến cáo người dân không ra ngoài khi không có việc khẩn cấp do đồi núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào dù mưa đã tạnh. Vì thời gian qua, lượng mưa trên địa bàn quá lớn, các quả đồi đã thấm nước và tích trữ đến khi nắng ráo vài ngày thì mới thực sự an toàn”- ông Dũng nói.
Ông Dũng thông tin thêm, về lâu về dài huyện sẽ báo cáo với tỉnh tái định cư cho người dân ở vùng nguy hiểm, người có nhà cửa bị ảnh hưởng, sập do thiên tai vừa qua. Đối với lương thực huyện đã bố trí đầy đủ lương thực về các điểm di dời tập trung và tại các xã thôn. Quyết không để người dân phải thiếu ăn trong lúc di dời tập trung.