Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum chỉ đạo, nếu còn xảy ra nhiều hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thì người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm.
Ngày 12/11, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, đơn vị này được nhà nước giao quản lý gần 30.000 ha rừng. Từ đầu năm 2020 đến nay, công ty đã bắt quả tang, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 22 đối tượng ngay tại rừng, 48 xe máy độ chế và nhiều dụng cụ của các đối tượng. Đơn vị cũng đề nghị cơ quan chức năng khởi tố 5 vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, do diện tích rừng quản lý trải dài trên nhiều địa bàn khác nhau, nhiều diện tích giáp với đất trồng cây của người dân nên công tác quản lý, bảo vệ còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, theo ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, từ năm 2018 đơn vị đã triển khai áp dụng công nghệ viễn thám và GIS vào các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng và giám sát hoạt động của các trạm quản lý, bảo vệ rừng. Thông qua hệ thống định vị GPS và ảnh vệ tinh, đã kịp thời phát hiện các biến động của tài nguyên rừng. Lâm phần quản lý được ổn định, hiệu quả các cuộc tuần tra bảo vệ rừng được nâng lên. Nhờ đó, số lượng các vụ vi phạm đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, năm sau giảm so với năm trước (năm 2018 giảm 57,14% so với năm 2017; năm 2019 giảm 68,6% so với năm 2018; 6 tháng đầu năm 2020 giảm 34,68% so với cùng kỳ năm 2019).
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đánh giá cao những mặt tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2020, nhất là giảm được số vụ vi phạm, số gỗ bị thiệt hại, bị bắt và tịch thu. Đặc biệt, số vụ vi phạm bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cao hơn so với cùng kỳ đã khẳng định sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, diện tích rừng giảm, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra cho thấy ở một số nơi, lực lượng chức năng còn lơ là, thiếu cảnh giác, chưa quyết tâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Lấy ví dụ cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho biết, khi đi qua các tuyến đường như Quốc lộ 14C, đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến đường khác trên địa bàn, có không ít khu vực đồi, núi đã không còn rừng, thay vào đó là các diện tích sắn và các cây trồng khác. Đặc biệt, có chỗ, có nơi, còn cán bộ bao che cho các đối tượng phá rừng, khiến gỗ trong rừng vẫn tiếp tục mất đi, đất rừng vẫn bị biến thành đất làm nương rẫy.
“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của tỉnh đưa ra mục tiêu trồng 15.000 ha rừng trong nhiệm kỳ, nên tôi đề nghị ngay từ bây giờ, UBND tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm việc với các huyện, các chủ rừng để xác định diện tích rừng cần trồng trong năm 2021. Đồng thời, tất cả các cấp ủy phải thường xuyên, liên tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả hơn. Nếu còn xảy ra nhiều hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thì người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng yêu cầu các cán bộ, Đảng viên tham gia quản lý, bảo vệ rừng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, trong sáng, không tiêu cực; các chủ rừng phải phát hiện sớm các vụ việc vi phạm quản lý, bảo vệ rừng; lực lượng kiểm lâm nhanh chóng khởi tố khi đủ điều kiện; cơ quan cảnh sát điều tra khẩn trương điều tra, đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, không để bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, liên tục tổ chức lực lượng liên ngành kiểm tra gỗ không nguồn gốc ở các cơ sở chế biến gỗ và nhà của người dân để xử lý, thu hồi; giao lực lượng công an và kiểm lâm kiểm tra tất cả các tuyến đường từ liên thôn đến tỉnh lộ, hạn chế thấp nhất các vụ việc vận chuyển lâm sản trái phép; phát huy tốt vai trò của mặt trận, đoàn thể trong công tác dân vận.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Kon Tum có trên 781.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Trong số đó, diện tích có rừng là gần 610.000 ha và gần 172.000 ha đất chưa có rừng, quy hoạch cho lâm nghiệp. Độ che phủ rừng của tỉnh là 63%.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện 324 vụ vi phạm, với khối lượng trên 1.100 m3 gỗ quy tròn các loại; 43,71 ha rừng bị thiệt hại (cháy rừng 21,64 ha, phá rừng trái pháp luật 22,07 ha). So với cùng kỳ năm 2019, giảm 65 vụ vi phạm, giảm trên 2000 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại, tăng 24,72 ha rừng bị thiệt hại. Đến nay, đã có 309 vụ vi phạm bị xử lý, khởi tố vụ án đối với 22 vụ, xử lý hành chính 282 vụ, xử lý khác 5 vụ. Lực lượng chức năng cũng thu giữ gần 740 m3 gỗ các loại, xử phạt gần 3 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum cũng xác định được 45 điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp để triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn, triệt phá ngay từ khi mới phát sinh. Trong số đó, xử lý nghiêm đối với các trường hợp buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, có liên quan đến tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Năm 2020, đã xử lý kỷ luật 29 trường hợp, trong đó 6 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo.
Đối với công tác sử dụng, phát triển rừng, 10 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khoán bảo vệ gần 217.000 ha rừng; trồng 719 ha rừng, trên 62.000 ha cây phân tán, tái sinh 375 ha.