Chồn ở Đan Mạch không phải là loài động vật duy nhất có thể trở thành ổ chứa virus corona lây lan đột biến mới cho người.
Quyết định giết hàng triệu con chồn vì lo ngại virus corona của chính phủ Đan Mạch mới đây khiến giới khoa học và bảo tồn càng thêm lo lắng trước sự mong manh của động vật đối với đại dịch và những bệnh lây nhiễm giữa các loài động vật. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là virus có thể gây đột biến ở động vật và trở nên dễ lây lan hơn hoặc nguy hiểm hơn với con người.
Ở Đan Mạch, virus lây từ người sang chồn rồi ngược lại và đã đột biến trong quá trình này. Chồn là loài động vật duy nhất được biết là lây virus corona sang người, ngoại trừ việc lây lan ban đầu từ một loài chưa xác định. Các động vật khác như mèo và chó cũng bị lây nhiễm khi tiếp xúc với con người nhưng không có trường hợp nào con người bị nhiễm khi tiếp xúc với vật nuôi.
Các phiên bản của virtus đột biến ở chồn và lây sang người không lây truyền nhiều hơn hay gây bệnh nặng hơn cho người. Nhưng một trong những biến thể được tìm thấy trên 12 người cho đến nay ít phản ứng hơn với các kháng thể trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.
Giới chức y tế Đan Mạch lo rằng hiệu quả của vắc-xin đang được phát triển có thể bị giảm đối với biến thể này và quyết định áp dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn biến thể lây lan, kể cả việc giết tất cả chồn trong nước và phong tỏa toàn miền Bắc – nơi virus đột biến được tìm thấy.
Tổ chức Y tế Thế giới và giới khoa học cho biết vẫn chưa tìm thấy bằng chứng biến thể này gây ra tác dụng nào tới vắc-xin nhưng không chỉ trích quyết định của Đan Mạch về việc tiêu hủy quần thể chồn.
Chồn không phải là động vật duy nhất có thể bị nhiễm virus corona. Chó, mèo, hổ, chuột hamxter, khỉ, chồn và chuột biến đổi gen cũng đều bị lây nhiễm.
Các chuyên gia y tế công cộng lo ngại bất kỳ loài nào có khả năng lây nhiễm đều có thể trở thành ổ chứa cho phép virus tái bùng phát bất cứ lúc nào và lây nhiễm sang người. Virus này có khả năng đột biến ở các loài động vật khác như đã được chứng minh là có thể xảy ra ở chồn. Mặc dù hầu hết các đột biến có thể là vô hại, SARS-CoV-2 có thể tái tổ hợp với một loại virus corona khác rồi trở nên nguy hiểm hơn. Giới bảo tồn cũng lo lắng về ảnh hưởng tới các loài động vật vốn đã lao đao.
Nhà nhân chủng học Amanda D. Melin thuộc Đại học Calgary đã cảnh báo đại diện các khu bảo tồn động vật hoang dã và vườn thú về sự cần thiết phải thận trọng. Nhiều cơ sở đã hạn chế cao hơn sự tương tác giữa con người và các loài linh trưởng.
Zarin Machanda thuộc Đại học Tufts và nghiên cứu hành vi tinh tinh tại Dự án Tinh tinh Kibale ở Uganda nói rằng khu bảo tồn đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa an toàn vì đại dịch.
“Chúng tôi luôn thận trọng với các loại vi rút đường hô hấp” vì những loại vi rút như vậy là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho tinh tinh ở Kibale. Ngay cả bệnh cảm cúm thông thường ở người cũng có thể rất nguy hiểm.
Tinh tinh đã phải hứng chịu sự bùng phát của các virus corona khác. Thông thường, con người ở Kibale duy trì khoảng cách tối thiểu 7 m với tinh tinh nhưng nay tăng lên thành ít nhất 10 m. Chính phủ Uganda cũng áp dụng thêm các biện pháp như yêu cầu dự án giảm thời gian nghiên cứu thực địa, lao động địa phương ở lại khu bảo tồn thay vì đi đi lại lại về cộng đồng.
Bác sĩ thú y Tony Goldberg thuộc Đại học Wisconsin và là người đứng đầu Dự án Kibale EcoHealth đã chứng kiến các bệnh hô hấp gây ra sự tàn phá thế nào đối với tinh tinh. Một đợt bùng phát chết chóc vào năm 2013 tại khu bảo tồn hóa ra là hệ lụy từ virus rhino C ở người – nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cảm cúm thông thường trên toàn thế giới. Cho đến khi đó, bệnh này chưa bao giờ được tìm thấy ở tinh tinh.
“Điều cuối cùng chúng ta cần nhớ là SARS-CoV-2 di chuyển vào một ổ chứa động vật mà có thể tái xuất hiện từ đó”.
Các nhà nghiên cứu khác đang nghiên cứu các loài từ cá voi Beluga đến chuột nhắt rừng Bắc Mỹ để tìm dấu hiệu của virus corona. Kate Sawatzki, điều phối viên giám sát động vật cho một dự án thử nghiệm trên vật nuôi và các động vật khác tại Trường Thú y Cummings thuộc Đại học Tufts cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi đã kiểm tra 282 mẫu động vật hoang dã của 22 loài, chủ yếu là dơi trong các cơ sở ở New England và rất vui là không có trường hợp nào dương tính”.
Họ cũng xét nghiệm 538 vật nuôi trong nhà, kể cả từ các hộ gia đình có người bị nhiễm Covid-19 và không có vật nuôi nào có dấu hiệu của virus hoạt động. Tuy nhiên, TS Sawatzki cho biết phòng thí nghiệm cũng đã xét nghiệm máu để tìm kháng thể, cho thấy có sự phơi nhiễm và cả kháng thể như thường thấy ở người. Các vật nuôi dường như bị lây nhiễm nhưng không bị bệnh hoặc lây truyền virus.
Cho đến nay, chồn ở Đan Mạch là trường hợp duy nhất được biết về tình trạng virus lây nhiễm sang động vật, gây đột biến và lây truyền ngược sang người. Emma Hodcroft thuộc Đại học Basel đã theo dõi các phiên bản đột biến khác nhau của virus corona khi lây lan khắp châu Âu và xem xét thông tin khoa học do cơ quan y tế Đan Mạch công bố. Cô hoan nghênh quyết định của chính phủ về hành động nhanh chóng và tiêu hủy chồn: “Nhiều quốc gia do dự và chờ đợi trước khi hành động, điều đó có thể vô cùng bất lợi khi đối mặt với SARS-CoV-2, như chúng ta thấy”. Tuy nhiên, cô không tán thành cách công bố thông tin cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng đối với vắc-xin nhưng không đưa ra chi tiết về mối lo ngại này: “Các thông tin khoa học cần được truyền thông rõ ràng hơn và khiến thế giới bớt lo lắng”.
Thế Anh (Theo New York Times)