Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) việc tuân thủ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp sẽ có tác động lớn đến ngành cao su, đặc biệt là cao su tiểu điền, khi diện tích rừng trồng cao su đạt hơn 941.000 ha, trong đó có 479.600 ha từ các hộ tiểu điền, chiếm 51% tổng diện tích cao su cả nước.
Ngày 11/11, VRA đã tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam”. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện đến tháng 7/2021 và triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.
Bà Phan Trần Hồng Vân, Quản lý dự án cho biết, xuất phát từ yêu cầu thúc đẩy tuân thủ VNTLAS đối với cao su tiểu điền, dự án được triển khai với mục tiêu góp phần thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp và cuối cùng đóng góp vào quản lý rừng bền vững.
Dự án được thực hiện với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia cao su và lâm nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm nhằm đảm bảo các kết quả đề ra, từ đánh giá tổng quan về ngành gỗ cao su Việt Nam đến xác định các thách thức, khó khăn trong việc tuân thủ Hệ thống VNTLAS và cuối cùng là xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các hộ tiểu điền và doanh nghiệp sản xuất gỗ cao su.
Ngoài ra, dự án sẽ nâng cao năng lực cho VRA trong việc hỗ trợ các bên liên quan của chuỗi cung ứng gỗ cao su trong việc thực hiện theo các tiêu chí của Dự án VNTLAS và các vấn đề liên quan đến Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU).
Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, mục tiêu của Hiệp định VPA/FLEGT là thiết lập khung pháp lý đảm bảo rằng tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc thiết lập VNTLAS, cùng với cơ chế cấp phép FLEGT, nhằm đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT được phép đi vào thị trường EU.
EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam bên cạnh các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 tỷ USD, chiếm 9,2% thị phần xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2020 Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt gần 662 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, với diện tích cao su trên 941 ngàn ha, gỗ cao su từ lâu đã trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Mỗi năm diện tích này cung cấp cho thị trường với trữ lượng bình quân khoảng 2-10 triệu m3 gỗ tròn, trong đó, tỉ lệ đóng góp từ các hộ tiểu điền ngày càng tăng dần, đạt khoảng 0,5-6 triệu m3 gỗ tròn/năm, dự kiến, chiếm 30-60% từ năm 2021-2040.
Cùng với mủ cao su, gỗ cao su đã trở thành một trong 2 sản phẩm chính từ cây cao su, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 2,38 tỷ USD, chiếm 33,9% trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su và đóng góp 22,4% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Bên cạnh đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ngành gỗ Việt Nam, gỗ cao su còn được đánh giá là nguồn nguyên liệu bền vững, thân thiện với môi trường vì chỉ lấy gỗ sau khi đã thu hoạch mủ với chu kỳ 20-25 năm.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT với EU và cam kết tất cả gỗ khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU đều được sản xuất hợp pháp, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia khai thác.
Vào đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Hệ thống VNTLAS được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến từng giai đoạn của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ, bao gồm khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu.