Chiều 11-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với 94,61% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.
462 đại biểu Quốc hội đã tham gia biểu quyết Luật Biên phòng Việt Nam, trong đó có 456 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 94,61%; có 4 đại biểu không tán thành, chiếm tỷ lệ 0,83%; 2 đại biểu không biểu quyết.
Với kết quả này, Luật Biên phòng đã được Quốc hội thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết riêng cho Điều 5 và Điều 10, theo đó thông qua Điều 5, với tỷ lệ 92,74% đại biểu tán thành, thông qua Điều 10 với tỷ lệ 91,08% tán thành.
Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, ngày 21-10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Theo đó, về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5), có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “Phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới” để thể chế hóa Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung này, thể hiện tại khoản 4, Điều 5.
Về ý kiến cho rằng, quy định “bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu” tại khoản 3 là chồng chéo về nhiệm vụ của BĐBP với các lực lượng khác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bảo đảm thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ chung của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, không chỉ riêng của BĐBP. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cũng làm rõ những ý kiến về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội về các vấn đề, cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản để phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 chương với 36 điều.