Hàng cấm trên chợ online ở Hàn Quốc

Do chưa có các quy định cụ thể và mạnh tay, tình trạng mua bán nhiều mặt hàng cấm vẫn diễn ra tràn lan trên các trang rao vặt ở xứ kim chi.

Ngày 10/11, một người dùng Internet đăng bài rao bán một con chó trên Joonggonara, một trong những chợ online mua bán đồ cũ lớn nhất Hàn Quốc: “Chú chó con dễ thương có giá 60.000 won (53 USD), miễn phí đóng gói, có phí giao hàng”.

Một người khác thì rao bán con mèo Anh lông ngắn với giá 200.000 won (179 USD) với lý do không thể nuôi được nữa vì bị dị ứng.

Việc bán vật nuôi trực tuyến không chỉ được xem là trái đạo đức mà còn có thể vi phạm Đạo luật bảo vệ động vật tại Hàn Quốc. Theo đó, những người muốn buôn bán thú cưng cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, Korea Times đưa tin.

Vật nuôi được đăng bán tràn lan trên các trang rao vặt ở Hàn Quốc.

Việc buôn bán ma túy bất hợp pháp cũng dễ dàng được phát hiện trên Daangn Market, một ứng dụng chợ trời phổ biến khác ở Hàn Quốc.

Không chỉ vậy, bất kỳ người dùng ứng dụng nào cũng có thể bán hoặc mua các loại thuốc theo toa như thuốc trị bệnh tiểu đường, thuốc mỡ steroid, điều trị rụng tóc và thực phẩm chức năng.

Tháng trước, ứng dụng này còn gây tranh cãi sau khi xuất hiện bài đăng của một phụ nữ rao bán đứa con sơ sinh của mình với giá 200.000 won, khiến cảnh sát vào cuộc điều tra. Một bài đăng tương tự bán một em bé với giá 3 triệu won (2.690 USD) cũng được phát hiện cùng thời điểm song hóa ra là “trò đùa” của một thiếu niên.

Những giao dịch bất hợp pháp và phi đạo đức này đang dấy lên mối lo ngại và bị nhiều người dân Hàn Quốc chỉ trích. Không ít người bắt đầu kêu gọi chính phủ và các nhà điều hành nền tảng đưa ra quy định và hệ thống giám sát chặt chẽ hơn để giải quyết vấn đề.

Sau sự cố trên, Daangn Market gần đây bắt đầu sử dụng hệ thống AI để tự động lọc các mặt hàng bị cấm. Đồng thời, trang này phát hành bộ hướng dẫn cụ thể cho người dùng, lên danh sách các sản phẩm bất hợp pháp.

Những người vi phạm nguyên tắc sẽ bị xóa bài đăng, buộc đăng xuất, cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn việc sử dụng dịch vụ cũng như có thể bị cảnh sát điều tra tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Một em bé sơ sinh bị mẹ rao bán với giá 200.000 won.

Kim Han-ki, thành viên một nhóm vận động cho người tiêu dùng, cho rằng chính phủ xứ kim chi nên đẩy mạnh việc điều chỉnh các hành vi bất hợp pháp vì riêng nỗ lực của các nhà quản lý nền tảng là không đủ.

“Chính phủ vẫn còn hơi do dự trong việc đàn áp các thị trường trực tuyến, vì có thể bị coi là chống lại thương mại tự do giữa các cá nhân. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cấm các giao dịch bất hợp pháp ngay bây giờ thì sẽ không thể loại bỏ chúng trong tương lai”, Kim nói.

Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng dẫn người dùng đúng cách.

“Nhiều người dường như không nhận ra rằng các giao dịch của họ là bất hợp pháp hay các thanh thiếu niên thì vô tư đăng bán những thứ bị cấm vì coi đó là trò đùa. Nhà điều hành nền tảng cần có các nguyên tắc rõ ràng cho tất cả người dùng và mạnh tay với những người phá vỡ quy tắc”, Lee nói.

Nguồn: