Sáng 10.11, phát biểu trước Quốc hội tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian gần đây, hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn, đe dọa đến mọi mặt kinh tế, xã hội. Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục trồng cây, gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa.
Trồng 1 tỉ cây xanh cho một Việt Nam xanh
Trước tình trạng lũ lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… xảy ra bất thường trong những năm gần đây, các chuyên gia về môi trường và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) cũng thẳng thắn nói rõ: Mất rừng là do con người! Trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, nâng cao chất lượng rừng…
Thủ tướng nhấn mạnh, bão lũ và sạt lở đất ở miền Trung gần đây hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng… và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song dù bất luận nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt.
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng hiện nay của chúng ta đã tăng trở lại, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết Trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị” – Thủ tướng nhấn mạnh.
“Xanh hóa” bêtông giảm khí phát thải
Theo Bộ NNPTNT, kế hoạch 2021-2030, ngành lâm nghiệp phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị bình quân 5m2/người và đến 2030 là 10m2/người.
Thực tế, cách đây 5 năm, Việt Nam đã phát động phong trào trồng 1 triệu cây xanh và các địa phương, sở, ban, ngành đã đồng hành trong chương trình “phủ xanh” môi trường sống. Ngoài trồng rừng, hầu hết các khu đô thị lớn, hiện đại cũng đang nỗ lực làm sạch lá phổi của thành phố qua các chương trình trồng cây xanh để giảm phát thải nhà kính. Trong đó, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… là những thành phố hiện đại đi đầu trong phong trào phủ xanh đô thị.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã trồng được hơn 1.530.000 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ, đạt 95,6% kế hoạch thành phố giao. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố đã trồng được hơn 67.700 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 1.637 cây đơn lẻ khóm và 1.841m2 cây mảng, thảm cỏ). Song song với việc mở thêm các tuyến đường mới và xây dựng công trình trọng điểm, trong 5 năm qua, Hà Nội cũng tích cực trong việc trồng mới, cải tạo, bổ sung thêm nhiều khoảng xanh trong thành phố.
Những năm qua, đã phối hợp Vườn quốc gia Ba Vì chuyển giao và tiếp nhận 2.000 cây tổ chim (Aslenium nidus) có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Ba Vì để tăng thêm tính đa dạng, phong phú loài cây và làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đô thị. Nhiều tuyến phố được chỉnh trang, trồng bổ sung hoàn thiện hệ thống cây xanh với mô hình trồng cây đa tầng, tán như: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Kim Mã, Giảng Võ, Điện Biên Phủ, Văn Cao, Liễu Giai, Láng Hạ, Xã Đàn, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Cổ Linh, Nguyễn Khánh Toàn, Láng… bước đầu đã cho những kết quả nhất định về không gian xanh, tạo mỹ quan, cảnh quan đồng bộ…
TPHCM cũng thực hiện chương trình “xanh hóa bêtông”, phủ xanh hàng loạt tuyến đường, cây cầu bằng hệ thống cây xanh, các bồn hoa, thảm cỏ… trong đó tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè đã phủ một màu xanh mát.
Mỗi năm trồng 230.000 ha rừng tập trung
Thông tin về phát triển rừng 2020, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: Lũy kế đến ngày 22.10, cả nước đã trồng 165.033ha rừng, đạt 75% kế hoạch, bằng 94% so với năm 2019. Trong đó, rừng phòng hộ là 4.767ha, rừng đặc dụng: 736ha, rừng sản xuất: 159.530ha. Đến nay, Việt Nam đã trồng mới được 21.931ha rừng. Lũy kế 10 tháng năm 2020 diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 168.129ha. Cũng trong 10 tháng qua, 770 triệu cây giống các loại đã được chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, giai đoạn 2021-2025, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với 14,609 triệu hécta rừng hiện có và diện tích trồng được trong giai đoạn này; mỗi năm trồng rừng đạt 230.000ha, trong đó, rừng phòng hộ và đặc dụng đạt khoảng 4.000-6.000ha; trồng rừng sản xuất: 225.000ha/năm (trồng mới khoảng 10.000ha/năm; trồng tái canh khoảng 215.000ha/năm) trong đó khoảng 30% trồng cây gỗ lớn; trồng cây phân tán: 50 triệu cây/năm.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, quản lý bền vững và nâng cao chất lượng rừng sản xuất giai đoạn 2021-2025, có 10% là rừng tự nhiên; giai đoạn 2026-2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 0,5 triệu hécta giai đoạn 2021-2025, đạt 1 triệu hécta giai đoạn 2026-2030. Tỉ lệ che phủ rừng duy trì 42% vào năm 2025 và ổn định ở mức 43% vào năm 2030; |