Sáng 9/11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc đầu tư cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho các tuyến đê xung yếu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình này.
Hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long thêm 2 tỷ USD
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về cơ chế phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ này được giao bốn nhiệm vụ, gồm: rà soát, xây dựng cơ chế điều phối vùng; lập quy hoạch vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; xây dựng danh mục dự án đầu tư quan trọng và bố trí nguồn lực thực hiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hai mục tiêu đầu tiên về việc lập hội đồng vùng, xây dựng cơ chế điều phối và lập danh mục dự án quan trọng đã được hoàn thành. Vấn đề lập quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, đã lấy ý kiến hai vòng và dự kiến lấy ý kiến vòng ba vào cuối tháng 11, dự kiến tháng 12 sẽ trình Chính phủ.
“Về nguồn lực thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kế hoạch từ bốn nguồn lực. Đầu tiên là nguồn lực từ Bộ Giao thông vận tải để tính toán, thống nhất lo tuyến đường quốc lộ, đặc biệt là cao tốc Cà Mau – Bạc Liêu và Bạc Liêu – Cần Thơ, dự kiến hoàn thành từ nay đến 2025. Nguồn lực thứ hai từ địa phương sẽ được sử dụng chính để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn lực thứ ba là nguồn từ trung ương” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long thêm 2 tỷ USD, trong giai đoạn tới. Trong đó, nguồn từ ngân sách khoảng 1,05 tỷ USD sẽ được dùng để xây dựng toàn bộ tuyến đường ven biển, một số hồ ở An Giang, một số tuyến giao thông quan trọng.
Nguồn vốn từ trung ương còn sử dụng để xây dựng các dự án trọng điểm mang tính liên kết. Nguồn lực còn lại là vốn từ xã hội để thực hiện các dự án hạ tầng.
4.800 tỷ đồng khắc phục các tuyến đê xung yếu
Trả lời liên quan đến đầu tư kè biên giới và về xây dựng công trình ứng phó biến đổi khí hậu, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện chúng ta có rất nhiều kè phải đầu tư. Tuy nhiên, chương trình tổng thể kè biên giới chưa xây dựng được mà chỉ tập trung xử lý các công trình cấp bách. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành xây dựng chương trình tổng thể để đầu tư căn cơ, bài bản, lâu dài.
Về các công trình biến đổi khí hậu, trong đó có các tuyến đê xung yếu, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm, sử dụng nguồn dự phòng, tăng thu, vượt thu, kết dư… để thực hiện. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đến nay đã tổng hợp khoảng 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu, các địa phương đang triển khai.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) bấm nút tranh luận, bày tỏ chưa đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đại biểu cho rằng, hiện vấn đề này chưa có hướng giải quyết, trong thời gian tới có hướng như thế nào, kể cả vốn trung hạn và vốn dự phòng.
“Cử tri Quảng Ninh có rất nhiều ý kiến về bảo vệ biên giới chủ quyền quốc gia. Kè sông suối biên giới” – đại biểu Đỗ Thị Lan nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vấn đề này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi bằng văn bản trả lời đến đại biểu Quốc hội.