Tàu SE2 Bắc-Nam tạm dừng tại K1233+650 (tỉnh Khánh Hòa) do đường sắt bị ngập; lũ trên các sông ở Phú Yên đang lên rất nhanh, tiếp tục gây ngập lụt chia cắt nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 10/11, bão số 12 đã làm 2 người tử vong (Quảng Nam 1; Bình Định 1); 31 nhà tốc mái, hư hỏng (Bình Định 7, Phú Yên 8, Khánh Hòa 16); 2 trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng (Khánh Hòa); 1 chiếc tàu cá bị chìm khi neo đậu (tỉnh Khánh Hòa)…
Cùng với đó, tàu SE2 Bắc-Nam tạm dừng tại K1233+650 (tỉnh Khánh Hòa) do đường sắt bị ngập; Quốc lộ 19C đoạn qua xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, Phú Yên ngập 0,8m gây ách tắc giao thông.
Tỉnh Khánh Hòa mất điện trên địa bàn các xã Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Thọ và Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh); toàn huyện Khánh Vĩnh; các xã Ninh Vân, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa). Tỉnh Phú Yên có 68/110 xã bị mất điện.
Để tiếp tục ứng phó với bão số 12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của bão thực hiện nghiêm việc quản lý chặt chẽ tàu thuyền tại nơi neo đậu, không để người ở lại trên các phương tiện, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản khi bão số 12 đổ bộ.
Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; đồng thời theo dõi chặt diễn biến của bão VAMCO, thông tin kịp thời đến thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động biện pháp phòng tránh.
Đối với khu vực đất liền, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu; tổ chức sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các địa phương triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở; có phương án đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm, nhất là đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi, tập trung tại khác khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai ven biển, đặc biệt vị trí bị hư hỏng, do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố.
Các đơn vị chức năng chuẩn bị sẵn sàng vận hành công trình tiêu thoát nước khi có mưa lớn để bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng khu vực đô thị; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là khu vực chăn nuôi tập trung; đồng thời, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt.
Tại Phú Yên, hoàn lưu bão số 12 đã gây mưa lớn trên diện rộng trên địa bàn tỉnh với lưu lượng phổ biến từ 157,6-341,8mm, khiến lũ trên các sông đang lên rất nhanh và dự báo sẽ tiếp tục gây ngập lụt chia cắt nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, lũ trên sông Kỳ Lộ đang lên nhanh, với mực nước tại trạm Xuân Quang lúc 15 giờ là 30,8m, tại trạm Hà Bằng là 9,41m dưới báo động 3 là 0,09m.
Nước lũ trên sông Bàn Thạch tại trạm Hòa Mỹ Tây là 13,2m dưới báo động 3 là 0,3m. Trên Sông Ba, mực nước tại trạm Củng Sơn là 31,61m dưới báo động hai là 0,39m; tại trạm Phú Lâm là 1,62m dưới báo động một là 0,08m.
Dự báo, trong 6 đến 12 giờ tới, lũ tiếp tục lên nhanh, đỉnh lũ lại trạm Hà Bằng (sông Kỳ Lộ) có khả năng đạt 10,5m, trên báo động 3 là 1m.
Nước lũ trên sông Kỳ Lộ có khả năng gây ngập lụt sâu phổ biến từ 1,5-2,5m. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai là cấp 2.
Tại mực nước ở trạm Củng Sơn (Sông Ba) đạt 32,5m trên cấp báo động 2 là 0,5m, tại trạm Phú Lâm đạt mức 2,7m, ở mức báo động 2. Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ cũng đã chạy máy và xả qua đập với tổng lượng về hạ lưu là 2.500m3/s.
Tỉnh Phú Yên đang tập trung di dời người dân và tài sản tại các vùng xung yếu, trũng thấp đến nơi an toàn, tổ chức cắm biển cấm, cảnh báo, cắt cử lực lượng hướng dẫn người dân qua khu vực ngập nước an toàn, nhằm giảm xuống mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Huyện miền núi Đồng Xuân của Phú Yên đã bị cô lập hoàn toàn do các tuyến đường vào huyện đang bị ngập sâu.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, vào 18 giờ ngày 10/11, các tuyến đường đi vào huyện đều bị ngập từ 1m trở lên. Ở vùng trũng thấp, có nơi ngập sâu 3m. Nước vẫn đang lên rất nhanh.
Tại khu vực đầu nguồn sông Kỳ Lộ, xã Phú Mỡ, nước vẫn đổ về xối xả. Hồ thủy điện La Hiêng và hồ thủy lợi Phú Xuân đang xả lũ về hạ du. Cùng với việc bị lũ chia cắt, toàn huyện Đồng Xuân đang bị mất điện.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã di dời hơn 2.000 hộ dân từ các vùng trũng thấp, có nguy cơ bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, đến nơi an toàn và dự kiến sẽ tiếp tục di dời thêm người dân do nước lũ vẫn lên cao.
Trực tiếp kiểm tra tình hình lũ tại huyện Đồng Xuân, ông Trần Hữu Thế-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu chính quyền các cấp huyện Đồng Xuân phải chủ động phương án di dời theo kịch bản đã chuẩn bị, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tại tuyến đường bị ngập, các đơn vị chức năng phải lập rào chắn cảnh báo và không cho người dân, phương tiện qua lại; đồng thời, tuyệt đối nghiêm cấm việc thả lưới đánh bắt cá hoặc vớt củi trên sông suối.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu lực lượng quân đội và công an hỗ trợ huyện Đồng Xuân và các địa phương khác ứng phó và khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Tương tự, tại một số địa phương ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và Tây Hòa, nước lũ dâng cao cũng bị ngập lụt cục bộ.