Theo các chuyên gia, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng vườn thực vật quốc gia để bảo tồn nguồn gene thực vật và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mới đây Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật với chủ đề: “Đề xuất chính sách quản lý Vườn thực vật quốc gia”. Theo TS Hoàng Văn Sâm, Đại học Lâm nghiệp, hiện nay, bảo tồn nguồn gene và đa dạng sinh học là một nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh các nỗ lực bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học thông qua hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, việc lưu giữ và phát triển các nguồn gene quý hiếm, nguồn gene bản địa là vô cùng cần thiết. Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với nhiều loài thực vật, trong đó có nhiều loài có giá trị bảo tồn cao trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
Việc nghiên cứu xây dựng một vườn thực vật quốc gia là cần thiết nhằm quảng bá cho hình ảnh đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, giáo dục môi trường và thăm quan du lịch. Vườn thực vật là nơi sưu tập, chăm sóc các loài thực vật hoang dã phục vụ mục đích trưng bày, nhân giống, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học. Vườn thực vật là nơi sưu tập các loài thực vật phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đào tạo, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, du lịch sinh thái và hợp tác phát triển.
Việt Nam hiện chưa có vườn thực vật quốc gia, chưa có quy hoạch về xây dựng vườn thực vật quốc gia, chưa có tiêu chí vườn thực vật nói chung và vườn thực vật quốc gia nói riêng, chưa có cơ chế tài chính đầu tư, vận hành và quản lý vườn thực vật… Việc nghiên cứu xây dựng vườn thực vật quốc gia sẽ giúp công tác bảo tồn loài bài bản, đồng thời góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.