Mặc dù hệ thống rừng phòng hộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh môi trường quốc gia, song thời gian qua tại không ít địa phương như Tây Nguyên, Đà Lạt… diện tích cũng như chất lượng rừng phòng hộ đã bị giảm sút. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các ban quản lý và chủ rừng phòng hộ đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động và quản lý bền vững diện tích rừng được giao…
Diện tích rừng phòng hộ giảm sút
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay Việt Nam đang có khoảng 4,64 triệu hecta rừng phòng hộ. Đa số diện tích này được quản lý bởi 231 ban quản lý rừng phòng hộ thuộc các cấp khác nhau. Bên cạnh đó, có số diện tích nhỏ với khoảng trên 330.000ha đang được cộng đồng, các hộ gia đình, lực lượng vũ trang và các bên khác quản lý.
Theo Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên Trịnh Lê Nguyên, mặc dù hệ thống rừng phòng hộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh môi trường quốc gia, song thực tế việc quản lý rừng phòng hộ gần như bị lãng quên, ít được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cũng như các tổ chức quốc tế.
Chính vì thế, diện tích và chất lượng rừng phòng hộ ở nhiều địa phương có xu hướng giảm sút do sự lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Đơn cử tại Tây Nguyên, diện tích rừng phòng hộ của toàn tỉnh có 71.994ha, thời gian gần đây diện tích rừng phòng hộ giảm về diện tích và chất lượng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do kinh phí quản lý bảo vệ rừng thấp (mới chỉ đáp ứng 14 – 20%), sinh kế của các cộng đồng sống gần rừng khó khăn vẫn là áp lực chính lên rừng phòng hộ.
Cũng theo chuyên viên Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng cục Lâm nghiệp Đồng Anh Đài: Luật Lâm nghiệp 2017 quy định nhiệm vụ rừng phòng hộ gồm: Bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai… và cung ứng các dịch vụ môi trường rừng. Để bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển rừng phòng hộ, kết hợp vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương cùng chủ rừng bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, tạo sinh kế người dân miền núi… Tuy nhiên, một số địa phương ven biển đặt mục tiêu phát triển kinh tế nên đã chuyển đổi đai rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát thành khu chế xuất, nghỉ dưỡng… dẫn đến đai rừng giảm về diện tích, hạn chế chức năng phòng hộ vốn có.
Cần có định hướng quản lý cụ thể
Từ thực tiễn việc giảm sút diện tích cũng như chất lượng rừng phòng hộ tại một số địa phương như Tây Nguyên, điển hình là tại Đà Lạt qua một đêm đã lấn chiếm đất rừng phòng hộ, mà nguyên nhân chủ yếu của việc lấn chiếm này là do chưa có mốc giới. Nhiều chuyên gia về lâm nghiệp cho rằng: Thời gian tới cần tiến hành cắm mốc, bởi hiện chưa phân định cắm mốc giữa các chủ rừng nên việc lấn chiếm đất rừng thường xuyên diễn ra tập trung khu vực có rừng tập thể và cá nhân.
Trong bối cảnh xã hội và ngành lâm nghiệp hiện nay, các ban quản lý chắc chắn phải quản lý rừng bền vững. Nhưng để thực hiện quản lý rừng bền vững đòi hỏi những điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần trước hết là các ban quản lý rừng phòng hộ phải biết được các giá trị của rừng mình do quản lý chứ không phải quản lý diện tích như hiện tại. Và để thực hiện được quản lý rừng bền vững đòi hỏi nguồn tài chính ổn định, lâu dài cho các ban quản lý rừng.
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Quang Cảnh |
Theo đại diện Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ: Cần có định hướng quản lý về chính sách và quản lý rừng phòng hộ. Cụ thể, xây dựng nội dung Chiến lược phát triển rừng phòng hộ giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn đến 2040 để tích hợp Chiến lược phát triển lâm nghiệp; Ban Quản lý rừng phòng hộ xây dựng “Phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030” theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT. Ngoài ra, xác lập quyền sở hữu cho chủ rừng như: Thực hiện giao đất, giao rừng cho các ban quản lý rừng phòng hộ; xác định rõ ranh giới trên bản đồ, cắm mốc ngoài thực địa để phục vụ công tác quản lý rừng, theo dõi, thống kê, kiểm kê và lập hồ sơ quản lý rừng theo lô, khoảnh, tiểu khu rừng. Đồng thời, củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các ban quản lý rừng phòng hộ bảo đảm hoạt động có hiệu quả đúng theo quy định.
Chuyên gia lâm nghiệp Đoàn Diễm cũng cho rằng, các chính sách hiện hành cần sửa đổi bổ sung để hỗ trợ quản lý rừng bền vững. Cụ thể, để xác định diện tích rừng phòng hộ ổn định, cần bổ sung các tiêu chí xác lập rừng phòng hộ và tiến hành rà soát lại quy hoạch rừng phòng hộ của các tỉnh theo các tiêu chí mới.
Từ hoạt động thực tiễn, đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, Nghệ An cho biết tầm quan trọng của việc trao quyền tự chủ cho các ban quản lý rừng phòng hộ hiện nay. Theo đó, để có thể bảo vệ rừng hiệu quả, các ban quản lý rừng phòng hộ phải được trao quyền tự chủ theo đúng nghĩa. Bởi hiện tại, các ban quản lý không được tự chủ về nhân sự, về số hợp đồng bảo vệ rừng. Đối với khoán bảo vệ rừng, hiện ban quản lý không được quyền chọn các đối tượng giao khoán mà phải ưu tiên khoán cho các hộ nghèo, trong khi các hộ nghèo thường thiếu nhân lực lao động nên thiếu khả năng bảo vệ rừng.