Việt Nam khởi động thị trường carbon nhằm nhanh chóng đạt mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Là loại hình công ty dịch vụ, quy mô văn phòng cũng nhỏ, nên phát thải carbon của Dragon Capital chủ yếu đến từ việc sử dụng điện, nước, thiết bị văn phòng trong tòa nhà và phương tiện di chuyển. Công ty này giảm thiểu phát thải carbon bằng việc giảm thiểu tần xuất di chuyển xa bằng máy bay, hạn chế sử dụng nhựa, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế… Trồng rừng cũng là một trong những hoạt động giúp Công ty góp phần giảm thiểu khí thải carbon trên quy mô hoạt động nhỏ. Đặc biệt, Dragon Capital tự nguyện tham gia mua tín chỉ phát phải carbon (carbon offset) nhằm đóng góp vào quỹ hỗ trợ các chương trình phát triển khí sinh học (biogas, biomass).
Cùng mục tiêu, JTI Việt Nam khởi động dự án đầu tiên trong chương trình Net Zero Carbon Emissions – dự án hợp tác với Tổ chức Hành động vì Môi trường (AFEO) để trồng cây phủ xanh đất trống tại khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Với số lượng 5.400 cây Re được trồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn, JTI Việt Nam đã bù đắp được 378,012 tấn khí thải CO2, tương đương với tổng lượng phát thải thống kê của văn phòng JTI trong năm 2019.
Ví dụ điển hình của Dragon Capital hay JTI cho thấy một xu hướng kinh doanh có trách nhiệm mà nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang theo đuổi. Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển và Quan hệ đối ngoại Dragon Capital, các quỹ đầu tư của thế giới với tổng tài sản đang quản lý tương đương hơn 34.000 tỉ USD, đại diện cho gần một nửa số vốn đầu tư toàn cầu, đã yêu cầu các chính phủ thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, đề nghị đưa một mức giá có ý nghĩa đối với carbon, cắt bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ngừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới. Vì thế, các công ty trên khắp thế giới hiện phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những bên liên quan. Cũng chính nhu cầu này đang thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam.
Ở quy mô lớn hơn, cùng thời điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và World Bank – cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Với thỏa thuận này, Việt Nam “chuyển nhượng” cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này 51,5 triệu USD. Đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam, việc thực hiện ERPA mang lại lợi ích thiết thực, đồng thời mở ra cơ hội hiện thực hóa việc triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng.
“Thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung mới, góp phần đầu tư cho các hoạt động giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập cho chủ rừng; đồng thời hướng tới hình thành thị trường tín chỉ giảm phát thải trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhận định.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam (VNPMR), cho biết: “Ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu sắp bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris kể từ năm 2021 trở đi. Bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế”.
Trong giai đoạn tới, định giá carbon là một trong những phương thức để đạt mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo đánh giá, khi áp dụng các công cụ định giá carbon như thuế carbon, hệ thống giao dịch phát thải, cơ chế tạo tín chỉ cần phải đánh giá, phân tích đầy đủ tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, lựa chọn công cụ định giá carbon phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc định giá carbon sẽ mang lại cơ hội mới cho nhà đầu tư trong việc mua bán tín chỉ carbon, mở ra nhiều hướng đi mới trong việc bảo vệ môi trường và yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư giảm thiểu khí thải, hoặc trả tiền để mua tín chỉ carbon.
Chẳng hạn, nhờ áp dụng thuế carbon cũng như phát triển thị trường thương mại carbon, Trung Quốc trong giai đoạn 2005-2010 đã cắt giảm được khoảng 1,5 tỉ tấn khí nhà kính, trở thành nước giảm phát thải nhiều nhất thế giới. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo Tiến sĩ Trương Đức Trí, định giá carbon đòi hỏi một cơ sở dữ liệu đầy đủ về phát thải khí nhà kính và các vấn đề liên quan khác như tính minh bạch, chính xác của số liệu sản xuất, kinh doanh, hoạt động giảm nhẹ…