Ảnh hưởng của cơn bão số 9 và số 10, mưa lớn tiếp tục trong những ngày qua, hai tỉnh Bình Định và Quảng Nam bị thiệt hại nặng nề và có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Cả hai địa phương đều phải tính toán và có chính sách để di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
Bình Định: Mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng
Mưa lớn trong những ngày qua khiến tuyến đường độc đạo lên các xã huyện miền núi Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) bị sạt lở nghiêm trọng. Theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – Hồ Quốc Dũng, việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở huyện miền núi này.
Ngày 8.11, ông Bùi Tấn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh – cho biết, sáng 8.11, lực lượng chức năng đang tiến hành khắc phục các điểm sạt lở trên địa bàn.
Cũng theo ông Thành, hiện xã Vĩnh Kim có khoảng 30 điểm sạt lở lớn nhỏ. “Hôm qua và hôm kia, chúng tôi đã tiến hành khắc phục để xe máy lưu thông, còn hiện nay đã đưa lực lượng cơ giới lên xử lý để xe lớn lưu thông” – ông Thành cho hay.
Xã Vĩnh Kim có 600 hộ dân với hơn 2.000 khẩu, trong đó khoảng 30 hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở. “Những điểm có nguy cơ sạt đã được đưa vào phương án để di dời, địa phương sẽ đánh giá lại toàn bộ nguy cơ về lâu về dài. Hiện, địa huyện đã hết mưa” – ông Thành nói thêm.
Tại buổi kiểm tra hiện trường sạt lở ngày 7.11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá, việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở huyện Vĩnh Thạnh.
Cũng theo ông Dũng, tuy không có thiệt hại về người, nhưng về lâu dài phải tính phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ven núi. “Nếu hiện tượng này đã xảy ra 1 lần thì có thể sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Địa phương phải có chính sách để di dời các hộ dân đến nơi an toàn” – ông Dũng cho hay.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trước mắt, UBND tỉnh giao cho Ban quản lý Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ngay lực lượng, máy móc khắc phục khẩn cấp để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân. “Cái này trong vòng 3 ngày là phải làm xong. Trước mắt là phải thông đường cho người dân đi lại” – ông Dũng yêu cầu.
Quảng Nam: Khẩn trương tìm chỗ tái định cư cho dân
Tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề về mưa bão, đặc biệt hàng loạt vụ sạt lở đã làm nhiều người tử vong và mất tích.
Ông Trần Huy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho hay, sau bão số 9 và bị ảnh hưởng của bão số 10 vừa qua, mưa lớn xuất hiện trên địa bàn huyện Nam Trà My khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt đường vào xã Trà Leng có nhiều điểm sạt lở và chưa lưu thông được. Đáng nói, mưa lớn đã cuốn trôi hoàn toàn 4 căn nhà và gây hư hỏng cấu trúc, hư hỏng nặng 10 căn nhà và sạt lở 1 điểm trường tại thôn 2, xã Trà Leng.
“Mưa lớn trên địa bàn đã gây thiệt hại cho địa phương. Huyện đã tổ chức đoàn đi khảo sát tình hình sạt lở trên địa bàn và tìm lại các điểm để người dân sớm tái định cư. Hiện đã tìm được 2 điểm để người dân tái định cư nhưng cần phải có sự đánh giá về mức độ an toàn của chuyên gia Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung – Tây nguyên. Đối với giao thông, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng sớm thông đường sớm nhất cho người dân. Trước mắt đã di dời các hộ dân ở nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Riêng xã Trà Leng sẽ tìm bố trí lại 54 hộ dân” – ông Dũng nói.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung – Tây nguyên cũng cung cấp thông tin, hiện huyện Nam Trà My còn 15 điểm nguy cơ cao sạt trượt tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don… Huyện Bắc Trà My có khoảng 30 điểm nguy cơ cao tập trung tại thị trấn Trà My, xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác. Tại huyện Phước Sơn, còn khoảng 13 điểm nguy cơ cao tập trung tại thị trấn Khâm Đức, xã Phước Lộc, xã Phước Thành, Phước Xuân… Riêng huyện Tây Giang, có một điểm nguy cơ sạt trượt tại các xã A Tiêng, A Vương, Ch’ơm, Lăng, Dang, Bhale…