Trong khuôn khổ Nghiên cứu vận động chính sách cho Nghị định 40/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) về nâng cao nhận thức cộng đồng trong quá trình tham gia tham vấn Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ngày 6/11, tại Hà Nội, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) tổ chức tọa đàm “Vai trò của cộng đồng tham gia trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc CEWAREC Đặng Ngọc Vinh cho biết: Hội thảo sẽ tập trung đánh giá việc thực hiện quy trình tham vấn cộng đồng về đánh giá ĐTM trong việc phát triển thủy điện, cơ sở công nghiệp ở 3 huyện vùng thượng nguồn sông Mã; đồng thời nhằm chia sẻ kết quả thực hiện đánh giá ĐTM ở 3 huyện Quan Hóa, Bá Thước và Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) ở vùng thượng nguồn sông Mã và kiến nghị các chính sách góp phần hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường.
Nói về tình hình phát triển thủy điện trên sông Mã, ông Đặng Ngọc Vinh nêu rõ: Thủy điện góp phần đem lại nguồn năng lượng điện lớn và ổn định cho ngành điện lực tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, mật độ xây dựng hiện nay khá dày đặc – trên địa bàn huyện Thường Xuân có tới 4 dự án thủy điện gồm: Cửa Đạt, Xuân Minh, Dốc Cáy và Bái Thượng. Hay trên sông Mã với chiều dài khoảng 100 km mà phải “cõng” tới 7 dự án thủy điện. Đó là những con số giật mình và trở thành “quả bom nước” mỗi khi mùa lũ cận kề. Bên cạnh đó, thủy điện đã tác động đến môi trường – gây ngập lụt do xả lũ vào thời điểm mưa lũ; sạt lở bờ sông; thủy điện tích nước gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở thượng lưu, thiếu nước phục vụ sản xuất vùng hạ lưu….
Chia sẻ về quá trình tham vấn cộng đồng trong việc đánh giá tác động môi trường từ việc phát triển thủy điện của cơ sở công nghiệp ở xã Phú Nghiêm từ năm 2016 đến nay, ông Hà Văn Côn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), cho biết: Đa số ý kiến của người dân và của Mặt trận Tổ quốc xã Phú Nghiêm về tác động của phát triển thủy điện trên thượng nguồn sông Mã thiên về hướng tiêu cực.
Theo đó, việc phát triển thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy lâu đời của dòng sông, tăng tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông hằng năm khi mùa lũ về khiến nhiều hộ gia đình bị mất đất sản xuất, mất đi nguồn thu nhập của nhân dân; các hộ dân có nhà ở phía dọc sông luôn cảm thấy bất an. Hơn nữa, người dân còn góp ý về những tác động tiêu cực do việc phát triển các cơ sở công nghiệp gây ra như: tình trạng xả thải không đúng quy trình gây ô nhiễm sông, làm mất đi một số loại thủy sinh quý hiếm; ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn đối với sức khỏe của nhân dân, đặc biệt hơn nữa việc sử dụng nguyên liệu đốt là củi đã gây ra tình trạng lén lút chặt phá rừng…
Có thể nói, việc thực hiện đúng quy trình tham vấn của CEWAREC đã cho người dân xã Phú Nghiêm có cơ hội nói lên ý kiến của mình về tác động của môi trường do phát triển thủy điện và công nghiệp gây ra trên địa bàn xã, quan trọng hơn là việc tham vấn đã nâng cao nhận thức cộng đồng cho người dân, giúp người dân hiểu được trách nhiệm của cá nhân trong cộng đồng cũng như sức mạnh của cộng đồng trong đời sống.
Tuy nhiên, những người tham dự buổi tọa đàm đề xuất, trong thời gian tới CEWAREC nên có nghiên cứu sát thực về các chính sách dựa trên những ý kiến của người dân tại hội nghị tham vấn như: chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn; chính sách phát triển công nghiệp; chính sách bảo vệ môi trường… để hạn chế lũ lụt, cân bằng không khí…
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Phạm Xuân Quý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu và tham mưu với Chính phủ ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế chính sách trong công tác bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng và tăng cường năng lực quản lý cho cán bộ quản lý môi trường của địa phương. Đồng thời, công tác bảo vệ môi trường cần được tăng cường đầu tư, phương thức kế hoạch hóa công tác bảo vệ môi trường cần được cải tiến để lồng ghép vào kế hoạch phát triển địa phương nhằm thực hiện một cách hiệu quả chiến lược phát triển bền vững.