Ngày 5/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Số phận của sông Mê Kông: Phát triển hiện tại và viễn cảnh tương lai”.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2020, ngày 5/11, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Viện Cộng đồng Mê Kông (MCI, Thái Lan) và Diễn đàn NGO, Campuchia tổ chức Hội thảo “Số phận của sông Mê Kông: Phát triển hiện tại và viễn cảnh tương lai”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện cộng đồng và báo chí môi trường trong nước và khu vực, cùng sinh viên các ngành môi trường, địa lý, Việt Nam học…
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature cho biết năm 2019 đánh dấu một bước ngoặt đối với dòng sông Mê Kông. Trong khi mực nước sông đang ở mức thấp kỷ lục, 2 đập trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông là đập Xayaburi và Don Sahong đã đi vào vận hành.
Biến đổi khí hậu và việc xây dựng các đập quy mô lớn trên sông Mê Kông và các phụ lưu đang khiến dòng sông và người dân trên lưu vực đối mặt với một tương lai bất định.
Chính vì vậy, Hội thảo sẽ nhìn nhận lại sự phát triển các dự án năng lượng thủy điện hiện tại và nhận định về tương lai của dòng sông Mê Kông cũng như người dân trên lưu vực, tập trung vào vai trò của xã hội dân sự và cộng đồng.
Cập nhật các phát triển mới về thủy điện trên dòng sông Mê Kông, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức Sông ngòi thế giới Gary Lee cho rằng: Các đập dòng chính đã được tiến hành bất chấp sự phản đối và quan ngại từ các bên liên quan, bỏ qua vô số bằng chứng khoa học chỉ ra rủi ro và tác động của các đập lớn.
Từ năm 2010, đánh giá môi trường chiến lược của thủy điện trên dòng chính Mê Kông đã cảnh báo rằng các đập trên dòng chính “sẽ mang lại nhiều rủi ro và bất ổn nghiêm trọng đối với các vấn đề chiến lược kinh tế, xã hội và môi trường ở các quốc gia và cộng đồng Mê Kông”.
Gần đây, nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã tái khẳng định rằng các con đập đe dọa đến sinh thái và an ninh lương thực của sông Mê Kông, đặc biệt các hộ gia đình nghèo hơn sẽ phải đối mặt với những tác động lớn nhất.
Tháng 3 năm nay, Chính phủ Campuchia cũng thông báo, các đập Stung Treng và Sambor trên dòng chính sẽ bị đình chỉ trong ít nhất 10 năm. Những thay đổi trong bối cảnh năng lượng trên toàn cầu và ở khu vực sông Mê Kông đang góp phần vào nỗ lực ngày càng tăng cho các giải pháp thay thế thủy điện nhưng bền vững và công bằng hơn như năng lượng mặt trời.
Bàn về các biến động môi trường và giải pháp thích ứng, ông Teerapong Pomun, Giám đốc Viện cộng đồng Mê Kông, một tổ chức phi Chính phủ đặt trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan) nghiên cứu việc quản lý tài nguyên nước cho biết: Báo cáo của Ủy ban sông Mê Kông (MRC), một tổ chức liên Chính phủ đại diện cho Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan cho thấy, việc xây đập trên sông Mê Kông trong những thập kỷ gần đây đã làm dấy lên những lo ngại thường trực về thiệt hại môi trường, biến động xã hội và những sự đánh đổi phát triển kinh tế với xã hội.
Báo cáo cũng cho thấy trong khi các đập thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy theo mùa của dòng sông, thì hạn hán là do mùa mưa đến muộn và hết sớm, lượng mưa rất thấp và hiện tượng El Nino.
“Do đó, MRC đề xuất cần tăng cường chia sẻ dữ liệu và tính minh bạch giữa các nước thành viên và các đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar. Sự đồng thuận về việc chia sẻ dữ liệu trong cách thức vận hành nguồn nước và cơ sở hạ tầng có liên quan sẽ giúp các nước quản lý rủi ro và tránh hiểu lầm” ông Teerapong Pomun nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận nhóm về tác động hạ nguồn của việc xây dựng thủy điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các sáng kiến và phong trào do cộng đồng và xã hội dân sự dẫn dắt, cũng như các ý tưởng và đề xuất cho các ưu tiên, chiến lược và giải pháp năng lượng thay thế trong viễn cảnh mới.