Ngày 5/11, Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020 do các tổ chức nhân dân Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.
Với chủ đề ‘Đoàn kết nhân dân Đông Nam Á vì một cộng đồng bao trùm, gắn kết và chủ động thích ứng”, Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020 (APF 2020) được tổ chức với mong muốn các tầng lớp nhân dân trong khu vực sẽ cùng nhau đoàn kết để ứng phó với các thách thức toàn cầu, hướng tới và xây dựng cộng đồng ASEAN hướng về người dân.
Tham dự khai mạc APF 2020 có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, các đại biểu của các Đại sứ quán ASEAN, Liên hợp quốc cùng hơn 250 đại biểu đại diện các tổ chức nhân dân, phi chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, hơn 500 đại biểu đại diện các tổ chức nhân dân, phi chính phủ ở 10 nước Đông Nam Á tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc tại APF 2020, ông Phan Anh Sơn – Phó Chủ tịch VUFO, Trưởng Ban Tổ chức APF 2020 cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử APF được tổ chức trực tuyến thể hiện tăng cường tinh thần đoàn kết và hợp tác vượt qua những khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Diễn đàn là một minh chứng cho thấy người dân ASEAN đang thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Ông Phan Anh Sơn cũng cho biết, mục tiêu chính của APF 2020 bao gồm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường đoàn kết, gắn bó và thống nhất giữa các phong trào xã hội và tổ chức nhân dân các nước Đông Nam Á; trao đổi ý kiến về các biện pháp chủ động, tích cực, phối hợp hành động giữa các tổ chức nhân dân Đông Nam Á nhằm đối phó với những thách thức chung trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của ASEAN thông qua các hoạt động vận động và giám sát, đưa ra các khuyến nghị cho các nhà lãnh đạo ASEAN về xây dựng một ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Tại APF 2020 diễn ra từ 5-7/11, đại biểu các nước sẽ trao đổi, thảo luận về 11 chủ đề: Hòa bình – An ninh; Nhân quyền và tiếp cận công lý; Bền vững sinh thái; Lao động và nhập cư; Chủ nghĩa khu vực thay thế; Kinh tế chuyển đổi và đoàn kết, Thương mại, Đầu tư và quyền lực doanh nghiệp; Cuộc sống và phẩm giá; Văn hóa và Nghệ thuật; Đổi mới, Công nghệ mới và quyền kỹ thuật số; Phân biệt chủng tộc và Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Phó Chủ tịch VUFO cũng bày tỏ hy vọng APF 2020 sẽ có các buổi thảo luận ý nghĩa và đưa ra những đề xuất hợp lý cho các chiến lược của chính phủ và nhân dân để vượt qua khó khăn cũng như định hình chiến lược phát triển trong tương lai. Đặc biệt, Ban Tổ chức mong chờ các cuộc thảo luận có tính xây dựng và hiệu quả, đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm và các tổ chức nhân dân có thể hợp tác với các cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác nhau trong 1 tầm nhìn không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ông Lê Văn Thanh cũng cho biết, ASEAN nói riêng và cả thế giới nói chung đang phải đối mặt với những thách thức và tác động chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình và người lao động.
Tuy nhiên, đại dịch cùng với các thách thức khác như biến đổi khí hậu là những phép thử đổi với chính phủ và người dân để có thể ứng phó với các vấn đề khác nhau trong đó có dịch bệnh, đặc biệt là các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần phải tăng cường khả năng sẵn sàng của chính phủ, người dân, doanh nghiệp… để có thể tự lực tự cường vươn lên, tận dụng cơ hội vượt qua các rào cản.
“Hy vọng rằng, tại APF 2020, các đại biểu sẽ có cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó và thống nhất giữa các phong trào xã hội, các tổ chức nhân dân ASEAN và đồng thời thảo luận, thống nhất các biện pháp ứng phó với thách thức chung trong khu vực, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định của ASEAN”, ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Trong lời phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN, Phụ trách Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN Kung Phoak cũng cho rằng, để các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN trở nên gắn kết và chủ động thích ứng, các bên liên quan bao gồm cả APF có vai trò vô cùng quan trọng.
“Các quan điểm mang tính xây dựng được hình thành từ nội dung thảo luận trực tuyến này sẽ rất hữu ích cho việc hiện thực hoá tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025. ASEAN sẽ tiếp tục lắng nghe nhu cầu của người dân và nỗ lực hết sức để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực”, ông Kung Phoak nhấn mạnh.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay thì một trong những mục tiêu trọng điểm của Diễn đàn lần này là tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức nhân dân các nước ASEAN, đặc biệt là trong việc phối hợp với Chính phủ của các nước để làm sao ứng phó với đại dịch và sau đó là phục hồi kinh tế. Bởi vì chúng tôi hiểu rằng, việc ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như phục hồi kinh tế thì không chỉ là nhiệm vụ duy nhất của Chính phủ các nước ASEAN mà đây cũng là trách nhiệm và có sự đóng góp rất lớn của người dân và các tổ chức nhân dân.
Trong ba ngày tới, chúng tôi cũng sẽ thảo luận để làm sao thông qua 24 hội thảo có thể tìm ra được những cơ chế tăng cường phối hợp để tăng sự hợp tác. Chúng tôi đặt mục tiêu đó là phải tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin thường xuyên giữa các tổ chức nhân dân của các nước ASEAN, sau đó là chia sẻ những bài học kinh nghiệm của các tổ chức nhân dân từng nước đã thành công trong việc phối hợp với Chính phủ của mình” – Ông Phan Anh Sơn, Trưởng Ban Tổ chức APF 2020 trả lời báo chí bên lề Diễn đàn. |
Diễn đàn nhân dân ASEAN là một trong những hoạt động thường niên bên lề của Hội nghị cấp cao ASEAN, được tổ chức theo sáng kiến của Malaysia từ năm 2005. Diễn đàn đã tạo không gian mở cho sự tham gia của các tổ chức nhân dân với ASEAN, thu hút hàng nghìn đại biểu quốc tế trong khu vực, mang tiếng nói của nhân dân đến với lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, nhằm hướng tới cộng đồng ASEAN thực sự vì lợi ích chung của nhân dân ASEAN, vì hòa bình, phát triển công bằng, bền vững của khu vực. |