Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM), cần đưa ra các kịch bản về dịch COVID-19 trong năm 2021 để có phương án điều chỉnh cho phù hợp.
Cần có kịch bản về dịch COVID-19 cho năm 2021
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cần đưa ra các kịch bản về dịch COVID-19 trong năm 2021 để có phương án điều chỉnh cho phù hợp.
Kịch bản 1, vắcxin điều trị có hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt trên 6% là khả thi.
Kịch bản 2, vắcxin không hiệu quả, dịch bệnh tiếp tục bùng phát, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt cao nhất 4-5%.
Để kiểm soát dịch bệnh tốt, ông Ngân cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế công cộng và y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, ngành y tế cần có sự liên kết với các trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc tế để học hỏi, trao đổi thông tin. Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, biến đổi khí hậu khắc nghiệt cũng là bài toán cần lưu tâm vì năm nào nước ta cũng hứng chịu hậu quả của lũ lụt, thiên tai. Do đó, ông Ngân đồng ý với kiến nghị Chính phủ trích một phần trong quỹ dự phòng 35.000 tỉ để chi cho các địa phương đang hứng chịu hậu quả do thiên tai. Trước mắt lên phương án quy hoạch và chuyển người dân đến nơi an toàn.
Chế tài mạnh với những vi phạm về thuế
Góp ý kiến về các chỉ tiêu phát triển kinh tế và ngân sách nhà nước trong năm 2021, đại biểu Trần Quang Chiểu (Đoàn Nam Định) – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đánh giá cao năm nay thu ngân sách vẫn đạt gần 90% dự toán dù GDP chỉ đạt 45% kế hoạch.
“Tôi trân trọng và đánh giá cao thành tựu của đất nước trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016 – 2020, mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay”.
Có thể nói năm 2020 với thành tích kép khi chúng ta vừa chống dịch thành công, vừa tăng trưởng GDP dương cao nhất trong khu vực nên cả thế giới khâm phục. Mặc dù GDP chỉ đạt khoảng 45% kế hoạch nhưng thu ngân sách vẫn đạt gần 90% dự toán năm; an sinh xã hội ổn định, tín nhiệm trên trường quốc tế được nâng cao”, ông Chiểu nói.
Ông Chiểu bày tỏ nhất trí cao đối với các chỉ tiêu kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, kế hoạch tài chính 5 năm 2021 -2026.
Theo ông Chiểu, nhiệm kỳ 2016-2020, ngành Tài chính đã huy động được 23,5% GDP từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước, vượt chỉ tiêu Đại hội 12 và Quốc hội đề ra (không dưới 23% GDP). Song, nếu theo quy mô GDP tính mới thì chỉ được 15 – 16%; trong khi đó nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong 5 năm tới, Chính phủ phấn đấu huy động từ thuế, phí vào ngân sách là 20 – 21% GDP tính mới, nếu theo cách tính quy mô GDP hiện hành là 28 – 30%.
Do vậy, để hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này, ông Chiểu cho rằng, Chính phủ, Quốc hội tới đây cần có quyết tâm rất cao tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Đầu tiên cần sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách về thu nói chung và các luật về thuế nói riêng để đảm bảo tính trung lập của thuế; mở rộng cơ sở thuế, có cơ chế mạnh hơn nữa với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Ông cho rằng, chỉ có xử lý mạnh chống chuyển giá, gửi giá… trốn thuế, chây ỳ thuế, nợ thuế, đọng thuế… thì mới có thể hoàn thành chỉ tiêu huy động 20 – 21% từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước.
Bởi vì theo ông Chiểu, nếu không hoàn thành chỉ tiêu này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tài chính vĩ mô khác như bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, vay nợ, nghĩa vụ trả nợ hàng năm trên tổng thu nội địa…, mà các chỉ tiêu vĩ mô này liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn tài chính quốc gia.