Cần đánh giá sâu sắc về việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Góp ý về lĩnh vực lĩnh vực bảo vệ môi trường trong dự thảo Văn kiện, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá sâu sắc hơn về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời bổ sung, phân tích khách quan, nhiều chiều, xác định nguyên nhân của thiên tai, biến đổi khí hậu để có giải pháp khắc phục.

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.

Tại 4 hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức, đề cập đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều ý kiến lo ngại thực tế đối diện với khủng hoảng, thách thức nghiêm trọng về môi trường và biến đổi khí hậu như thiên tai lũ lụt, sóng thần, hạn hán, động đất, dịch bệnh hiểm nghèo… và những hậu quả của hành động phá hủy môi trường, tốc độ gia tăng của biến đổi khí hậu.

Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam thuộc số ít các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Và nguyên nhân đó chính là hậu quả của việc rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào… Do đó, một số ý kiến đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII cần phải đặc biệt đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phân tích, những sự cố thiên tai, dịch bệnh vừa qua như nước biển dâng, xâm nhập mặn nhiều vùng Nam bộ; dịch tả lợn châu Phi; lũ quét miền núi phía Bắc, bão lũ miền Trung… là hiện tượng tự nhiên, khách quan, nhưng đó cũng là cái cớ nhằm trốn tránh hành vi chủ quan của con người.

“Cần nhận thức rằng, phần lớn tác nhân do con người gây ra, thiệt hại là không chối cãi. Phá rừng mấy chục năm qua là sự thật, là tội ác. Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, đạt mức che phủ là 42%, nhưng chủ yếu là rừng trồng – vốn tác dụng hạn chế. Còn bao nhiêu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ đã bị hủy diệt thì làm sao giữ được nước, tránh được sạt lở”, ông Vũ Trọng Kim chỉ ra.

Theo ông Vũ Trọng Kim, Văn kiện là để rõ chiến lược, chủ trương, chính sách. Cần sớm có một chiến lược cho năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí; quy hoạch bản đồ thủy điện phù hợp trước khi quá muộn.

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nhắc tới tỷ lệ che phủ rừng, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay, 58% đất chưa có rừng che phủ, còn nhiều đồi núi trọc, đã và đang tác động lớn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của đồng bào dân tộc. “12/15 triệu đồng bào dân tộc thiểu số là người sinh ra từ núi rừng và gắn cuộc sống của mình với núi rừng, bởi vậy, nếu không sớm khắc phục “mất rừng là một nguy cơ lớn” thì sẽ liên tiếp xảy ra “thiên tai, nhân họa” gây thiệt hại về người và tài sản” – ông Lù Văn Que nói.

Từ phân tích của mình, ông Lù Văn Que kiến nghị: “Phải tiến công mạnh hơn về bảo vệ rừng, trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc, đó là việc làm có ý nghĩa chiến lược nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Phải bằng các giải pháp quyết liệt, phải giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc làm nghề rừng, giúp đồng bào chuyển đổi nương rẫy sang bảo vệ rừng, giảm sản xuất lương thực trên đất dốc để trồng rừng; phải lấy người nuôi rừng, lấy rừng nuôi rừng, dùng luật tục dân tộc để bảo vệ rừng”.

Cũng góp ý về nội dung bảo vệ, phát triển rừng, TS Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong hai bản dự thảo Văn kiện đều nêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số 1 cho các tỉnh miền núi. Và từ khi hòa bình lập lại, trong các kỳ Đại hội Đảng, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đều đưa nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số 1 của các tỉnh miền núi và Tây Nguyên. “Chúng ta đã tổ chức thực hiện một loạt chương trình bảo vệ, phát triển rừng: Chương trình 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Nghị quyết 73/2006/QH 11 của Quốc hội… Ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách nhưng đến nay, kết quả vẫn không được như mong muốn. Nguyên nhân sâu xa là người bảo vệ rừng, trồng rừng chưa thể sống được, làm giàu được từ rừng” – TS Đoản phát biểu.

Cùng với đó là công tác nghiên cứu khoa học vê lâm nghiệp còn rất yếu; cơ chế chính sách về bảo vệ và phát triển rừng chưa đủ để đem lại sự giàu có cho những người bảo vệ, trồng rừng. Người dân bảo vệ rừng, trồng rừng đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ vẫn phải phá rừng làm nương rẫy trồng lương thực, thực phẩm để nuôi sống bản thân…

“Do đó, tôi kiến nghị cần phải cần có một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp. Phải thống nhất lại các quan điểm về phát triển rừng như chức năng phòng hộ, hấp thụ các bon, chức năng kinh tế; đa dạng hóa cây trồng trên đất lâm nghiệp; thực hiện nông lâm kết hợp…, gắn rừng với công nghiệp chế biến và du lịch, nghiên cứu khoa học … Đồng thời phải đổi mới cơ bản cơ chế chính sách quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Phải tổ chức sản xuất kinh doanh rừng theo chuỗi giá tri với sự tham gia liên kết của doanh nghiệp đầu tàu, đơn vị nghiên cứu khoa học, hợp tác xã dịch vụ và người dân làm lâm nghiệp” – TS Đoản phát biểu.

TS Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo TS Cầm Văn Đoản, cơ chế, chính sách mới phải đảm bảo cho người bảo vệ, phát triển rừng có thể sống được, làm giàu được (bao gồm cả vượt qua bẫy thu nhập trung bình) từ rừng. Chỉ có như vậy thì rừng mới có thể được bảo vệ và phát triển, nhân dân các dân tộc thiểu số mới có thể làm giàu từ rừng được…

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, các nhiệm vụ về môi trường được dự thảo báo cáo đề cập khá toàn diện, đầy đủ đối với 4 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp chính. Tuy nhiên, trong nhóm nhiệm vụ về phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và cấp địa phương; thực hiện và nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược cho các chiến lược, quy hoạch cũng như các kế hoạch. Trong nhóm nhiệm vụ về cải thiện môi trường cần bổ sung nhiệm vụ tăng cường thu gom, xử lý các sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là các thiết bị, linh kiện, chất thải điện tử đang ngày càng gia tăng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhóm nhiệm vụ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được trình bày trong dự thảo báo cáo khá mờ nhạt nên cần được bổ sung việc duy trì diện tích đất rừng, đất để bảo tồn đa dạng sinh học; nghiêm cấm xâm hại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển…

Bài và ảnh: Thu Hà

Nguồn: