Các nhà khoa học cảnh báo có tới 850.000 virus chưa được phát hiện ẩn náu trên các loài chim và động vật có vú, một ngày nào đó có thể lây nhiễm sang con người.
Theo tờ Dailymail, thông tin trên được đưa ra trong báo cáo mới của nhóm 22 chuyên gia quốc tế. Họ cho biết nếu không hành động để bảo vệ thế giới hoang dã, sẽ ngày càng có nhiều đại dịch hơn và đại dịch sẽ tồi tệ hơn.
Các chuyên gia cho rằng cần phải ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc động vật ngay từ đầu hơn là đối phó với chúng bằng các biện pháp y tế và vaccine mới. Họ khẳng định chỉ bằng cách này thì con người mới có thể thoát khỏi kỷ nguyên đại dịch.
Theo đó, con người cần chấm dứt hành vi khai thác môi trường không bền vững bằng cách chấm dứt phá rừng, nông nghiệp thâm canh và buôn bán/tiêu thụ động vật hoang dã.
Hành vi buôn bán/tiêu thụ động vật hoang dã đã khiến con người và gia súc ngày càng tiếp xúc nhiều với thế giới hoang dã và đây là nguyên nhân gây ra hầu hết các đại dịch.
Các biện pháp mà nhóm chuyên gia khuyến nghị gồm đánh thuế vào hoạt động sản xuất gia súc và thịt, ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên tốt hơn.
Các biện pháp này sẽ tốn khoảng 40-58 tỷ USD hàng năm, chỉ bằng một phần nhỏ chi phí chống các đại dịch như COVID-19.
Ví dụ, chỉ tính riêng trong tháng 7, virus SARS-CoV-2 đã khiến thế giới tốn từ 6-16 nghìn tỷ USD.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng ước tính có từ 540.000 đến 850.000 loài virus mà con người chưa biết tới đang sống trên chim chóc và động vật có vú như dơi, chuột, linh trưởng. Các virus này có thể hoặc sẽ có thể nhiễm vào người.
Rủi ro lây lan này đang ngày càng gia tăng với ít nhất 5 loại bệnh mới xuất hiện ở người hàng năm và bệnh nào cũng có nguy cơ biến thành đại dịch.
Tuy nhiên, nếu nói thiên nhiên hoang dã là nguyên nhân gây ra các bệnh tật thì không đúng vì các đại dịch, trong đó có COVID-19, là do con người gây ra khi tác động vào thiên nhiên.
Ông Peter Daszak, Chủ tịch Liên minh Sức khỏe Sinh thái, nhận định: “Nguyên nhân đại dịch COVID-19 và các đại dịch hiện đại không còn là bí ẩn to lớn. Chính hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh thái cũng gây ra nguy cơ đại dịch khi tác động vào thiên nhiên”.
Báo cáo khẳng định nếu không có chiến lược phòng ngừa, đại dịch sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan mạnh hơn, giết chết nhiều người hơn và ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết.
Nhà sinh thái Guy Poppy bình luận: “Mối liên quan giữa sức khỏe hành tinh và sức khỏe con người ngày càng được công nhận, nhưng COVID-19 đã khiến nó hiện ra trước mắt mọi người. Nếu chúng ta định duy trì sức khỏe con người, chúng ta cũng phải đảm bảo sức khỏe hành tinh”.