Ngày 3/11, Bộ Y tế ban hành Công điện số 1732/CĐ-BYT về triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả do mưa bão, lũ lụt.
Công điện nêu rõ, từ đầu tháng 10, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên liên tiếp hứng chịu các trận bão lũ, mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Hàng loạt các cơ sở khám chữa bệnh bị hư hỏng, ngập nước, ảnh hưởng lớn đến công tác cấp cứu, thu dung, điều trị. Theo dự báo, cơn bão số 10 (tên quốc tế Goni) sau khi đi qua Phi-líp-pin, trong 48 đến 72 giờ tiếp theo đi vào đất liền các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Để chủ động ứng phó với bão số 10 , khẩn trương triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả do mưa bão, lũ lụt xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/Tp từ Nghệ An đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế , các đơn vị thuộc Bộ thực hiện một số nội dung sau :
1. Giám đốc các Sở Y tế:
– Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn quán triệt các Công điện của Bộ Y tế (Công điện số 1690 / CĐ – BYT ngày 26/10/2020 , Công điện số 1714 / CĐ – BYT ngày 29/10/2020 ) để tổ chức thực hiện;
– Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế xã, tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng, phương tiện tiến hành thu gom rác thải, xác động vật chất để xử lý tập trung, không gây ô nhiễm môi trường và phát tán dịch bệnh; xử lý nguồn nước sinh hoạt; kiểm soát an toàn thực phẩm, phun diệt côn trùng; khử trùng tẩy uế những nơi trũng ngập nước lâu ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
– Đối với các nhà trạm bị ngập lũ cần khẩn trương tập trung thu dọn, tẩy rửa, khử khuẩn… sau khi nước rút; thau rửa các bể nước ngầm; khôi phục hệ thống điện, sấy, bảo dưỡng các trang thiết bị y tế, máy tính để sớm đưa vào hoạt động khám chữa bệnh;
– Quan tâm đến những đối tượng yếu thế (người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em… ) và những người mắc bệnh mạn tính (cao huyết áp, tiểu đường, tâm thần, hen phế quản… ) để được ưu tiên khám bệnh và chăm sóc sức khoẻ, cung cấp thực phẩm không để bệnh nặng thêm; cấp phát thuốc cho người già, người có bệnh lý mạn tính trong thời gian 2 tháng, không để bệnh nhân thiếu thuốc do mưa, lũ; Phối hợp chặt chẽ với các Bệnh viện, Viện và các tổ hỗ trợ chuyên môn tăng cường của Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch hoạt động có hiệu quả, sớm đưa ngành y tế trở lại hoạt động bình thường;
– Chú ý đôn đốc triển khai, giám sát việc thực hiện các quy định của Bộ Y tế trong phòng chống dịch Covid-19 ;
– Khẩn trương tổng hợp, báo cáo thiệt hại về người, cơ sở vật chất, tài sản về Bộ Y tế theo quy định; đối với các đề nghị hỗ trợ hàng Dự trữ quốc gia, cần đề xuất với UBND Tỉnh có văn bản đề nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Đối với hàng hỗ trợ của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới… cần tổng hợp phân bổ, sử dụng báo cáo về Bộ Y tế.
2. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ:
– Căn cứ theo QĐ 4350/QĐ-BYT ngày 19/10/2020 về việc phân công hỗ trợ các địa phương trong phòng chống thiên tai, chủ động liên hệ với lãnh đạo các Sở Y tế từ Nghệ An đến Phú Yên, khu vực Tây Nguyên để xây dựng các kế hoạch hỗ trợ phù hợp với nhu cầu địa phương;
– Tổ chức các tổ, đội cơ động, các trang thiết bị thiết yếu, sẵn sàng đến các địa phương để hỗ trợ về chuyên môn theo yêu cầu.
3. Đối với các đơn vị thuộc Bộ:
– Các Cục: Y tế Dự phòng, Quản lý Môi trường y tế, An toàn thực phẩm, Quản lý Dược, Quản lý Khám chữa bệnh… khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương thống nhất thực hiện sau lũ lụt, hoàn thành trước ngày 5/11/2020;
– Tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu của địa phương báo cáo Lãnh đạo Bộ và Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định;
– Theo Quyết định số 4511/QĐ-BYT ngày 29/10/2020 của Bộ Y tế lập Các tổ công tác nhanh chóng triển khai công tác hỗ trợ các tỉnh miền Trung xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sau mưa, lũ; báo cáo kết quả sau khi hoàn thành nhiệm vụ;
Công văn cũng yêu cầu giao Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục kêu gọi hỗ trợ , tiếp nhận , đề xuất phân bổ cho các địa phương để khắc phục hậu quả sau bão lũ; đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các đơn vị thuộc Bộ nhận được công điện khẩn trương, phối hợp triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Văn phòng thường trực BCH PCTT & TKCN Bộ Y tế (email: pcthbyt@gmail.com, ĐT: 024.62732027; Fax:024.62732027).