Gới chuyên gia cảnh báo, ở nhiều địa phươn
Theo ông Nguyễn Quốc Dưng, chuyên gia tại Viện Điều tra Quy hoạch rừng, đặc điểm địa hình của Việt Nam dài và nhỏ hẹp và có tới 3/4 địa hình là đồi núi, với độ dốc cao (15-75 độ), chiều dài dốc ngắn cộng thêm chiều dài bờ biển đến hơn 3260 km, khiến công tác bảo vệ rừng phòng hộ trở thành một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, được quy định rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về tình trạng chặt phá rừng gia tăng trong những năm gần đây, trong khi mức độ trồng rừng mới rất hạn chế.
Các tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Tây Nam bộ, lũ lụt ở miền Trung, sạt lở, sụt lún ở các khu vực vùng núi và trung du đang đặt ra các thách thức vô cùng lớn đối với công tác bảo vệ rừng phòng hộ.
Về nhân sự và năng lực của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, phần lớn chưa phù hợp với quản lý rừng phòng hộ hiện nay, với các nguyên nhân chủ yếu, như: diện tích lớn, địa bàn hiểm trở, nhiều rủi ro môi trường và xã hội.
Ông Trần Quốc Cảnh, chuyên gia tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên-Huế cho biết, chỉ riêng tại địa phương này thống kê có 75.000 ha rừng thì các BQL rừng phòng hộ quản lý khoảng 62.000 ha (88%), chủ yếu là rừng tự nhiên phòng hộ.
Nguồn lực từ ngân sách hàng năm cho công tác quản lý bảo vệ rừng khoảng 4-5 tỷ đồng, trong khi đó các nguồn nhân lực bổ sung từ nguồn ngân sách hầu như không có. Chưa kể đến cơ chế khai thác rừng trồng phòng hộ hiện nay còn nhiều bất cập.
Tình trạng tương tự ở khu vực Tây Nguyên, trong đó TS Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Đắk Lắk chỉ ra thực tế các diện tích đất thuộc trách nhiệm của UBND xã quản lý nhưng lại chưa được giao quản lý, dẫn tới nguy cơ xâm lấn cao.
Trong đó, mức độ thay đổi diện tích rừng Tây Nguyên chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010-2019 đã giảm 31.443 ha/năm, còn tốc độ rừng trồng chỉ tăng được 14.824 ha/năm. Tình trạng sử dụng đất, rừng không theo quy hoạch đã khiến rừng giảm cả về diện tích và chất lượng nhưng lại chưa có giải pháp hiệu quả.
Theo đại diện Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thì bất cập lớn nhất hiện nay là tình trạng phân cấp quản lý cũng chưa thống nhất, chẳng hạn có nơi thì UBND tỉnh, hoặc giao UBND huyện, sở NNPTNT, Chi cục Kiểm lâm và đôi khi lại thuộc phòng Nông nghiệp. Ngoài ra, mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho hoạt động trồng rừng phòng hộ hiện nay cũng còn rất thấp.
Góp ý đối với chính sách đầu tư và quản lý bền vững rừng phòng hộ, bà Đoàn Diễm, chuyên gia từ trung tâm PanNature cho rằng, Nhà nước nên cho phép BQL rừng được tự chủ trong sử dụng vốn tự có, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm theo kế hoạch.
Ngoài ra, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư bảo tồn các diện tích rừng có giá trị cao, cần thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, đấu tranh, phòng ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Đại diện Viện Nghiên cứu Lâm Sinh đề xuất rà soát, đánh giá, tăng cường công tác quản lý sử dụng rừng và đất rừng (hạn chế tối đa các ảnh hưởng từ xây dựng hạ tầng giao thông, đê biển,…), đồng thời thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng quy hoạch và song song với xây dựng các dự án trồng rừng, lấn biển. Cần nhân rộng mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, thôn, bản.
Rừng phòng hộ ở nước ta hiện nay được phân loại (theo Nghị định 156, Luật Lâm nghiệp), bao gồm rừng phòng hộ đầu nguồn sông, hồ (khoảng 4,38 triệu ha); rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (66.350 ha); rừng chắn gió, chắn cát bay (20.640 ha);… |