Về mặt địa chất, các tỉnh miền Trung có khá nhiều yếu tố bất lợi, dễ gây ra sạt lở.
Chỉ chưa đầy một tháng nhưng hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở núi, trượt đổ đất đá kinh hoàng khiến rất nhiều người thiệt mạng thương tâm. Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với TS Trần Tân Văn (ảnh), Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản – đơn vị chủ trì đề án điều tra, đánh giá hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại các tỉnh miền núi, để góp phần lý giải nguyên nhân của thảm họa này.
Hàng loạt nguyên nhân gây tai biến địa chất
Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết vì sao thời gian qua liên tục xảy ra các vụ tai biến địa chất, sạt lở đất đá tại các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam…?
+ TS Trần Tân Văn: Nguyên nhân trực tiếp là do mưa bão cường độ cao, kéo dài liên tục trong gần cả tháng qua. Điều này làm cho đất đá trữ nước bão hòa. Người ta nói rằng nước là kẻ thù số một của các sườn dốc. Tích nước nhiều khiến các sườn dốc nặng thêm, dễ gây sạt lở hơn. Mặt khác, nước làm giảm tính chất cơ lý, kết dính của đất đá, làm giảm sức kháng trượt. Cộng hưởng hai yếu tố đó rất dễ gây ra sạt lở ở sườn dốc.
Ngoài ra còn hàng loạt nguyên nhân khác, như các tỉnh miền Trung có khá nhiều yếu tố bất lợi dễ gây ra các tai biến địa chất. Thứ nhất là về mặt địa hình, đồi núi cao, phân cắt sâu nên các sườn dốc tự nhiên rất dốc. Thứ hai, về mặt địa chất, các loại đất đá ở vùng này có nhiều loại khác nhau, rất đa dạng, kể cả về tuổi, thành phần vật chất, mức độ dập vỡ, nứt nẻ, lớp vỏ phong hóa rất dày… cho nên về mặt địa chất, vùng này có khá nhiều yếu tố bất lợi, dễ gây ra sạt lở. Rồi thảm thực vật cũng là một yếu tố. Hiện thảm thực vật của ta rất rộng về diện tích nhưng về mặt chất lượng thì chưa đảm bảo.
Tiếp nữa là hoạt động dân sinh diễn ra rất sôi động ở vùng này. Không chỉ ở Việt Nam mà thế giới người ta cũng chỉ rõ hoạt động dân sinh ngày càng trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra thiên tai. Nước mình cũng thế, dân số ngày càng đông, đất đai chỉ có vậy, cho nên con người ngày càng phải lấn sân vào tự nhiên, tìm nhiều nơi định cư, trong đó có cả những nơi có nguy cơ trượt lở. Chưa nói đến việc chúng ta phải làm đường sá, cắt xẻ taluy, cắt xẻ sườn dốc, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm các công trình thủy lợi, thủy điện, phá rừng…
Có nguyên nhân từ thủy điện?
Dư luận cũng cho rằng nguyên nhân gây ra hàng loạt hiện tượng sạt lở thời gian qua ở miền Trung là do có quá nhiều dự án thủy điện “cóc”, quan điểm của ông thế nào?
+ Đúng là có nguyên nhân này. Theo tôi hiểu, Chính phủ có chủ trương rất đúng là giảm tối đa các thủy điện nhỏ, nhất là các thủy điện không nằm trong quy hoạch. Bởi vì khi làm quy hoạch chúng ta đã có những nghiên cứu về sức chịu tải, rồi rất nhiều yếu tố khác. Nhưng khi bổ sung thêm các thủy điện không nằm trong quy hoạch thì sẽ phá vỡ cân bằng của khu vực.
Nếu làm các thủy điện lớn thì yêu cầu về mặt kỹ thuật rất cao, có kiểm tra, giám sát rất nghiêm ngặt từ các cơ quan chức năng, bộ, ngành trung ương… Nhưng thủy điện nhỏ, trong nhiều trường hợp do quy mô nhỏ nên công tác điều tra, khảo sát, thiết kế, thi công có thể sẽ sơ sài mà không có kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt.
Tôi nhớ cách đây một vài năm có trường hợp vỡ đập thủy điện nhỏ mới phát hiện có cốt tre ở bên trong. Bên cạnh đó còn hàng loạt hoạt động khác khi xây dựng thủy điện nhỏ như mở đường sá, xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án, dọn dẹp mặt bằng, dọn dẹp lớp phủ thực vật… Tức là đối với thủy điện nhỏ có khá nhiều yếu tố không tích cực.
Ngoài ra, nếu xây dựng hệ thống thủy điện nhỏ nhiều dọc theo một con sông thì phải xét đến yếu tố điều tiết hồ chứa chung. Nếu xây thủy điện nhỏ nằm ngoài quy hoạch thì sẽ không có sự liên kết.
Làm sao để hạn chế các tai biến địa chất, trượt lở đất đá, nhất là khi mùa mưa bão về, thưa ông?
+ Việt Nam cũng đang làm theo cách mà thế giới đã làm, đó là tiến hành điều tra hiện trạng trượt lở đất đá và nghiên cứu các yếu tố gây ra sạt lở đất đá để xây dựng các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo. Trên cơ sở đó, kết quả điều tra, nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho các địa phương và các cơ quan liên quan để tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó có thể tái định cư, di dời các khu dân cư, công trình, hạ tầng khỏi các khu vực có nguy cơ cao. Tức tìm các khu vực an toàn hơn để định cư phát triển, còn khu vực nguy cơ cao thì để bảo tồn, phục hồi lại thảm thực vật.
Còn về ngắn hạn, các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo sẽ biết được khu vực nào đang có nguy cơ trượt lở cao để sơ tán, di dời dân cư khi xảy ra mưa bão. Rồi sử dụng để phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về trượt lở đất đá.
Chúng ta đang làm theo cách như vậy và đề án điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá đã làm được khoảng 50% khối lượng rồi. Ví dụ như ở khu vực Huế, Quảng Nam, Quảng Trị (nơi vừa xảy ra nhiều vụ sạt lở đất) mới làm được bản đồ hiện trạng, tới đây sẽ thực hiện làm bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở.
Xin cám ơn ông!
Tăng hoạt động dự báo, cảnh báo sạt lở
Sáng 30-10, tại cuộc họp của Chính phủ, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã đề xuất Chính phủ tăng kinh phí cho các tỉnh làm bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở chi tiết hơn. Theo Bộ trưởng Hà, vài năm gần đây, do chỉ được cấp hơn 10 tỉ đồng mỗi năm nên tốc độ làm đề án khá chậm. “Thời gian tới chúng tôi mong muốn làm được bản đồ điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở đất cho tất cả 37 tỉnh/thành miền núi, sau đó là làm bản đồ cảnh báo chi tiết cho các xã trọng điểm. Ngoài ra sẽ triển khai thêm các hoạt động cập nhật, bổ sung hằng năm theo định kỳ 3-5 năm. Và tiến hành thêm các hoạt động dự báo, cảnh báo sớm trên cơ sở quan trắc các khu vực có nguy cơ cao, trọng điểm” – ông Hà nói. |
Sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc sạt lở gây chết người liên tiếp cho thấy tình trạng sạt lở ở miền Trung đang trở nên khốc liệt hơn. Ngoài việc mưa lớn kéo dài thì trong thời gian dài khu vực miền Trung, đặc biệt những tỉnh có thủy điện “mọc” lên dày đặc cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở. “Xây dựng thủy điện gây ra tình trạng phá rừng, những công trình như đập để chắn nước, hồ, làm đường dẫn, nhà máy… khiến đất bị đào bới, thảm thực vật bị mất gây ra sạt lở” – ông Hồng nhấn mạnh. Ông Hồng cho rằng nếu miền Trung tiếp tục hứng chịu những cơn bão thì tình hình sạt lở sẽ nặng hơn. Hiện nay nước đang tích tụ trong đất ở khu vực này, tất cả chỗ đất yếu đã kín nước, khi nước dồn xuống thì tạo ra lực lớn sẽ gây ra sạt lở. Nguyễn Châu |