Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Hồi 13 giờ ngày 31-10, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 127,7 độ Kinh Đông, cách miền trung Philippines khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
* Hơn 10.500 cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia khắc phục hậu quả thiên tai ở miền Trung
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 13 giờ ngày 1-11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 2-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13. (Phúc Thái)
Chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với siêu bão
Ngày 31-10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT)-Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT &TKCN) đã có Công điện số 34/CĐ-TW gửi ban chỉ huy PCTT& TKCN các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa-Ban chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Y tế… đề nghị ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền… hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. (Điệp Hà)
79 người chết và mất tích, 67 người bị thương do hậu quả bão số 9
Bão số 9, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã làm 79 người chết và mất tích (28 người chết, 51 người mất tích), 67 người bị thương là thông tin do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT công bố ngày 31-10.
Ngoài ra, bão số 9, mưa lũ, sạt lở đất sau bão còn gây thiệt hại cho hệ thống giao thông ở các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, làm 63 cầu bị hư hỏng, 22 cống bị bồi lấp, hư hỏng. Một số điểm trên các tuyến Quốc lộ 15, 46 và 46B và đường giao thông địa phương tại Nghệ An bị sạt lở (73,42km). Quốc lộ 8A, 15, 12C và một số tuyến đường địa phương tại huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc và Kỳ Anh tại Hà Tĩnh nhiều điểm bị sạt lở. Tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An đã phải tổ chức sơ tán 4.115 hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất (Nghệ An 2.916 hộ, Hà Tĩnh 1.199 hộ). (Hoàng Xuân)
4.429 cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia khắc phục hậu quả thiên tai
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban quốc gia UPSCTT &TKCN, ngày 31-10, lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai các tỉnh miền Trung tổng cộng 12.512 người (trong đó có gần 4.430 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực; 6.130 dân quân; lực lượng khác 1.953 người) và 223 phương tiện các loại. Kết quả, tại địa bàn Quân khu 4 đã tổng dọn vệ sinh 138km đường giao thông, 25 trường học…, cứu trợ nhân dân tỉnh Nghệ An 5 tấn lương khô…; địa bàn Quân khu 5, tiếp tục mở đường và tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, giúp dân dọn dẹp vệ sinh sau lũ. Bộ đội Biên phòng tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, dọn dẹp vệ sinh công cộng và khắc phục hậu quả bão số 9 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận; giúp dân đắp 700m đê bao tại xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế… (Ngọc Hà)
Quảng Bình: Tìm thấy hai nạn nhân bị vùi lấp 14 ngày. Chiều 31-10, sau gần một ngày đêm nỗ lực tìm kiếm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã tìm thấy hai nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất (từ ngày 18-10), tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Thác Voi thuộc lâm trường Trường Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh). Hai nạn nhân là ông Đàm Văn Tuyên, sinh năm 1954 và ông Đàm Văn Vịnh, sinh năm 1963, đều trú tại thôn Sơn Tùng, xã Quảng Châu đi rừng ở khu vực xã Trường Sơn. Ngày 17-10, hai người đi từ xã Trường Sơn về nhà, đến địa phận Trạm quản lý bảo vệ rừng Thác Voi thì gặp mưa to, nước dâng cao, đường sạt lở nên không thể về nhà. Đến tối 18-10, một vụ sạt lở đất đã vùi lấp toàn bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Thác Voi. Ông Đàm Văn Tuyên và Đàm Văn Vịnh được xác định đã gặp nạn khi dừng nghỉ tránh lũ tại khu vực này. (Minh Tú – Hoàng Cuối)
* Tỉnh Thừa Thiên-Huế: Sáng 31-10, tại Đồn Biên phòng Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), thông qua Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chi hội từ thiện Trái Tim Vàng cùng các nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh đã đến trao 700 suất quà tặng bà con nhân dân 7 xã thuộc huyện Phong Điền và Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ngọc Bình)
Vận chuyển lương thực cho nhân dân ở hai xã của huyện Phước Sơn bị cô lập do mưa lũ, sạt lở đất
Chiều 31-10, tỉnh Quảng Nam đã bàn giao lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho Sư đoàn Không quân 372 để chuyển đến người dân hai xã Phước Lộc và Phước Thành (huyện Phước Sơn). Hàng cứu trợ bàn giao gồm: 20 tấn gạo, 650 thùng mì tôm, 650 suất nhu yếu phẩm (dầu ăn, mì chính, nước mắm, cá…), 500 bộ chăn, màn. Ngoài ra, 40 bao quần áo, gần 1.000 chai nước suối do Đồn Biên phòng Bình Minh và nhân dân xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) ủng hộ, quyên góp cũng được bàn giao cho Sư đoàn Không quân 372 để vận chuyển đến các hộ dân ở hai xã trên đang bị cô lập do mưa bão mấy ngày qua. (Hồng Anh)
”Kích hoạt” các đội cơ động sẵn sàng hỗ trợ vùng lũ
Bộ Y tế đã có công điện gửi sở y tế các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên, đề nghị giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng “kích hoạt” các đội cơ động sẵn sàng đến hỗ trợ ngành y tế Quảng Nam khi có lệnh của lãnh đạo Bộ Y tế. Viện Pháp y Trung ương, Trung tâm Pháp y Khu vực miền Trung chủ động hỗ trợ về chuyên môn, vật tư để bảo quản, nhận dạng tử thi tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam. (An An)
* Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã viện trợ 540.000USD để hỗ trợ kịp thời phụ nữ và trẻ em gái ở 6 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão, lũ gần một tháng qua. (Quang Minh)
* Ngày 31-10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, đã tiếp tục chuyển 1,5 tỷ đồng tiền cứu trợ tới 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh. 1.500 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sẽ được hỗ trợ tiền mặt 1 triệu đồng/hộ. Toàn bộ số tiền trên do Tập đoàn MED Group tài trợ, bao gồm 1 tỷ đồng từ quỹ từ thiện của tập đoàn và 500 triệu đồng từ sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Medlatec Group. (Diệp Châu)
* Ngày 31-10, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức phát động Phong trào “Quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ”, chung tay, góp sức vì đồng bào miền Trung thân yêu. Trong ngày đầu tiên phát động, các cán bộ, nhân viên toàn bệnh viện đã quyên góp ủng hộ được gần 600 triệu đồng. (Duy Thành)
* Ngày 31-10, cán bộ công chức, viên chức ngành tài chính tiếp tục quyên góp ủng hộ, hỗ trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ nhằm chia sẻ khó khăn với bà con qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam số tiền là 1 tỷ đồng. Trước đó, cán bộ công chức, viên chức trao gửi qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tới 5 tỉnh miền Trung và gia đình 13 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hy sinh khi đi tìm kiếm cứu nạn tổng số tiền là 10 tỷ 550 triệu đồng (Gia Minh).
* Ngày 31-10, Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Long (TP Bà Rịa) tổ chức gói hơn 1.000 chiếc bánh tét tặng đồng bào vùng lũ miền Trung. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh và Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Long còn vận động được 200 suất quà trị giá gần 100 triệu đồng, chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ. (Kim Loan)