Chiều 30-10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2020, đại diện các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin đến các cơ quan báo chí về công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá, bão số 9 là cơn bão mạnh nhất 20 năm qua, lượng mưa có nơi lớn hơn trận bão lịch sử năm 1999. Nguyên nhân chính của việc xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung là do khu vực này có nhiều đồi núi cao, mưa lâu ngày khiến các lớp đất đá bị phong hóa, trượt kéo xuống phía dưới.
“Bên cạnh đó, các hoạt động mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, trong đó có các dự án xây dựng nhà máy thủy điện đã cắt taluy, mất chân sườn dốc là nguyên nhân kích hoạt sạt lở đất xảy ra. Như tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang trong quá trình xây dựng, việc cắt xẻ sườn núi cũng đã gây sạt lở”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Ông Lê Công Thành cũng cho rằng, để đánh giá việc mất rừng có phải là nguyên nhân gây sạt lở đất hay không, cần xem xét cụ thể trong từng trường hợp.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vừa qua, lưu lượng mưa ở miền Trung lớn hơn năm 1999 nhưng việc vận hành liên hồ chứa khá tốt nên đã cắt được lượng nước đổ về hạ du, chỉ có một số điểm bằng mức lũ lịch sử năm 1999, còn lại thấp hơn.
Thông tin về công tác phòng, chống lũ, sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, thời gian qua, hơn 30.000 nhà vượt lũ được xây dựng cho đồng bào miền Trung đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống bão lũ. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đang nghiên cứu nhân rộng, phát triển thêm các mô hình nhà ở này. Về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thì không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được các hình thái thiên tai này.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, với những công trình đang tồn tại tại khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cần rà soát để di dời, đồng thời, hướng dẫn người dân nhận biết được dấu hiệu lũ quét, sạt lở đất để kịp phòng tránh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, thiên tai miền Trung vừa qua là hiện tượng rất bất thường. Đã có 56,1 triệu lượt tin nhắn cảnh báo lũ lụt được gửi đến người dân miền Trung. Tuy nhiên, có những nơi ngập diện rộng, với mức ngập sâu vài mét, người dân không kịp di chuyển đến nơi an toàn.
Về hoạt động ứng phó với bão lũ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng bên cạnh sự phối hợp của các lực lượng công an, quân đội thì với những hiện tượng thiên tai mang tính cực đoan, cần có lực lượng chuyên nghiệp hơn trong công tác ứng phó, triển khai cứu nạn, cứu hộ, đồng thời cần đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, ứng dụng khoa học – công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo thiên tai…