Theo thống kê, sau cơn bão số 9, tỉnh Kon Tum có trên 4.400 ha diện tích lúa, hoa màu, cà phê, cao su và các loại cây trồng khác trên địa bàn bị ảnh hưởng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại ban đầu khoảng 30 tỷ đồng.
Các cấp chính quyền đang nỗ lực hỗ trợ người dân, thu hoạch những gì còn sót lại nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Ông A Xen (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) cho biết, gia đình ông đã bị thiệt hại hơn 1 ha lúa do ngập sâu trong nước và 0,5 ha đậu bị gãy đổ, làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Vì không lường trước được sức mạnh của bão nên ông không chuẩn bị sẵn lương thực trong nhà. Ngay khi cơn bão đi qua, gia đình ông đã đến đồng ruộng để cố gắng “vớt vát” những thửa lúa còn lại với hy vọng có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong khi đó, nhiều hộ gia đình tại các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Kon Plông… cũng lâm vào cảnh “trắng tay”. Đặc biệt, tại huyện Đăk Glei, do lũ lên quá nhanh nên người dân chỉ kịp tìm chỗ trú ẩn, không kịp di dời con, vật nuôi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum Trần Văn Chương cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương lập tức thống kê thiệt hại; đề xuất các nhu cầu về giống cây trồng, thuốc tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi…; từ đó đề xuất lên UBND tỉnh để sớm đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau bão.
Ngoài ra, Sở yêu cầu các phòng nông nghiệp địa phương chú ý việc vệ sinh, khử khuẩn các điểm chăn nuôi tập trung nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi và lở mồm long móng; tập trung khắc phục các công trình phục vụ tưới tiêu bị sạt lở, chống úng ngập, giúp người dân sẵn sàng cho vụ Đông Xuân.