Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết quả nổi bật được nêu tại đây là tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tiếp tục tăng, từ 39,7% năm 2011 lên 40,84% năm 2015, đạt 41,89% năm 2019; năm 2020 ước đạt khoảng 42%, đạt chỉ tiêu nhiệm vụ giao và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Hằng năm, toàn quốc trồng được khoảng 230 nghìn ha, trong đó khoảng 215 nghìn ha rừng sản xuất, góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng cho công nghiệp chế biến gỗ, với sản lượng khai thác từ gỗ rừng trồng năm 2019 tăng gần 4 lần so với năm 2011, từ 5,16 triệu m3 lên 19,5 triệu m3 vào năm 2019, ước năm 2020 đạt 20,5 triệu m3.
Giá trị xuất khẩu lâm sản tăng gấp gần 3 lần so với năm 2011, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 11,38 tỷ USD năm 2019; ước năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về giá trị xuất khẩu lâm sản.
Trong báo cáo bổ sung về nội dung trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dự kiến đến năm 2025 giá trị xuất khẩu sẽ đạt 18 – 20 tỷ USD, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước cơ bản đáp ứng cho nhu cầu chế biến gỗ xuất khẩu và thị trường trong nước, bằng các giải pháp như: tăng năng suất rừng trồng; thay đồi công nghệ đê chê biên sâu giảm nguyên liệu đầu vào nhưng tăng giá trị sản phâm; và tăng diện tích trồng rừng sản xuất hàng năm; tăng diện tích rừng trông có chứng chỉ quản lý rừng bền vững,…
Đáng chú ý, thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011 – 2020 đạt khoảng 16.780 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 1.678 tỷ đồng/năm, trong đó thu từ thủy điện chiếm 95%, còn lại là các dịch vụ khác.
Trong báo cáo bổ sung Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết kết quả đã trồng rừng thay thế đối với các dự án chuyển sang xây dựng thủy điện. Theo đó, lũy kế đến nay, cả nước đã trồng được 25.567 ha, gồm 30 tỉnh, 312 dự án, đạt 114% tổng diện tích phải trồng. Như vậy, tính tổng thể trên pham vi cả nước, đến nay đã cơ bản hoàn thành Nghị quyết của Quôc hội khóa XIII, Bộ này khẳng định.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá, công tác bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này giảm rõ rệt.
Số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 là 136.125 vụ, trung bình 27.265 vụ/năm; trong giai đoạn 2016-2020, xảy ra 73.384 vụ, bình quân 14.677 vụ/năm, giảm trung bình 12.588 vụ/năm so với giai đoạn 2011-2015, tương ứng giảm 47%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 11.661 ha, trung bình 2.332 ha/năm, giảm 368 ha/năm, tương ứng giảm 12% so với giai đoạn 2011-2015.
Về kinh phí cho bảo vệ và phát triển rừng, theo báo cáo thẩm tra, từ năm 2011 đến nay, tổng số vốn kế hoạch đã huy động được là 83.997 tỷ đồng, bình quân 8.399,7 tỷ đồng/năm. Trong đó, ngân sách nhà nước: 16.343 tỷ đồng, bình quân 1.634 tỷ đồng/năm, đạt 72,2% kế hoạch; vốn khác: 67.654 tỷ đồng, bình quân 6.765,4 tỷ đồng/năm, đạt 110% kế hoạch.
Ủy ban thẩm tra cũng chỉ ra hạn chế là nguồn lực ngân sách nhà nước còn eo hẹp, chưa bố trí đủ để thực hiện những nhiệm vụ trong tâm trong Nghị quyết đề ra. Đến giai đoạn 2016 – 2020 mới bố trí nguồn vốn riêng cho thực hiện Chương trình. Đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa tương xứng để thực hiện chính sách được ban hành; cơ sở vật chất cho công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, hoạt động điều tra, thống kê và kiểm kê rừng còn nhiều hạn chế; một số chỉ tiêu trong Kế hoạch, Chương trình còn chưa hoàn thành triệt để như trồng rừng phòng hộ, đặc dụng (mới đạt 92%); huy động vốn mới đạt 84,3%.