Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về định mức hao hụt lương thực và định mức chi phí bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Dự thảo nêu rõ định mức hao hụt đối với gạo bảo quản kín như sau: a) Thời gian bảo quản dưới 12 tháng, định mức hao hụt là 0,050%; b) Thời gian bảo quản từ 12 – 18 tháng: 0,058%; c) Thời gian bảo quản trên 18 tháng: 0,066%.
Định mức chi phí bảo quản thóc đổ rời trong điều kiện áp suất thấp như sau: Bảo quản lần đầu – mới, chi phí là 370,756 đồng/tấn.lần (sử dụng vật liệu kê lót mới); Bảo quản thường xuyên, chi phí là 116,895 đồng/tấn.năm.
Đối với bảo quản thóc đóng bao trong điều kiện áp suất thấp: Bảo quản lần đầu – mới, chi phí là 279,913 đồng/tấn.lần; bảo quản thường xuyên, chi phí là 115,325 đồng/tấn.năm.
Bảo quản kín gạo: Bảo quản lần đầu – mới, mức phí là 247,242 đồng/tấn.lần; bảo quản thường xuyên, mức phí 115,561 đồng/tấn.năm.
Đối với xuồng cứu nạn, mức phí bảo quản thường xuyên dao động từ 3,542,419 đến 6,110,243 đồng/bộ.năm. Đối với máy phát điện, mức phí bảo quản thường xuyên dao động từ 584,808 đến 2,699,386 đồng/chiếc/năm…
Định mức chi phí bảo quản, định kỳ kiểm tra chất lượng hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý bao gồm các nội dung chi sau: Chi phí vật tư phục vụ công việc bảo quản: điện năng, nước, bảo hộ lao động, bạt chống bão, phòng cháy chữa cháy; chi phí bốc xếp đảo hàng, khử trùng kho, đóng gói, chi phí xử lý môi trường; chi phí hướng dẫn tập huấn, kiểm tra, kiểm định, công tác bảo quản; chi phí mua sắm, sửa chữa công cụ, dụng cụ phục vụ công tác bảo quản…
Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt lương thực dự trữ quốc gia quy định tại Thông tư này được áp dụng làm căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý chi phí, thực hiện kế hoạch bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia từ năm ngân sách 2021.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.