Thiên tai là nguyên nhân khách quan gây nên nhiều thảm họa, vì vậy, cần nhiều hơn nữa việc hạn chế các nguyên nhân chủ quan.
Theo nhiều chuyên gia, thiên tai là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên chúng ta cần phải hành động và hành động mạnh mẽ hơn nữa để giảm nhẹ thiên tai bằng nhiều giải pháp như ngăn chặn nạn phá rừng, kiểm soát thủy điện tốt hơn, nâng cao hệ thống cảnh báo thời tiết…
TS TÔ VĂN TRƯỜNG, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam:
Cần kết hợp nhiều giải pháp
Các cơ quan từ trung ương đến các địa phương cần rà soát gắn chặt nhiệm vụ phòng tránh thiên tai vào quy hoạch chung của các ngành và quy hoạch tổng thể. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác dự báo và cảnh báo về thời tiết, chủ động di dời dân đến vùng an toàn trước thiên tai.
Hiện nay các địa phương cũng yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ trên cùng lưu vực lập quy trình phối hợp vận hành để tăng cường an toàn về mùa lũ, phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng nước mùa cạn cho hạ du. Tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư ven biển miền Trung. Từng bước nâng cao khả năng chống lũ của các hệ thống đê sông. Chủ động phòng tránh lũ và thích nghi để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông…
Chúng ta cần thiết lập bản đồ 1:25000 phân hạng các nguy cơ lũ lụt, động đất, sạt lở, cháy rừng ở những vùng trọng điểm rồi thông báo cho các huyện địa phương để nắm rõ. Tùy theo mức độ nguy cơ dự báo, huyện cần lập kho dự trữ nhu yếu phẩm, tối thiểu là mì gói, nước uống, cùng phèn chua để làm lắng nước đục và các viên thuốc khử trùng nước. Người dân vùng bị thiên tai có thể xử lý các nguồn nước sẵn có xung quanh.
Để chủ động phòng tránh thiên tai một cách hiệu quả, Nhà nước và các ngành, các chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động thống nhất dựa trên cơ sở tầm nhìn chung. Quản lý thiên tai hiệu quả, sử dụng tài nguyên khôn ngoan, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng một cách mềm dẻo.
PGS-TS VŨ THANH CA, Khoa môi trường, ĐH TN&MT Hà Nội:
Thủy điện gây ra nhiều hệ lụy về môi trường
Các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy thủy điện gây ra rất nhiều hệ lụy môi trường, sinh thái và làm gia tăng xói lở bờ biển do chặn dòng bùn cát chảy ra biển. Thủy điện cũng có những nguy cơ gây lũ quét rất lớn nếu đập bị vỡ. Tuy nhiên, cần lưu ý là không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ. Nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn.
Có người nói rằng xây đập thủy điện sẽ gây phá rừng nhưng nếu quản lý tốt thì phần diện tích rừng bị phá chỉ là lòng hồ và một phần rừng bị phá để làm đường sá và các công trình phục vụ thủy điện.
Hiện nay Việt Nam đã xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh để đảm bảo vận hành một cách an toàn và hiệu quả các hồ chứa. Cần chú ý là việc xây dựng các hồ chứa luôn kèm theo việc xây dựng một hệ thống hạ tầng đính kèm, bao gồm nhà quản lý, biến áp, đường sá, cũng như có thể yêu cầu bố trí quỹ đất để tái định cư. Việc này sẽ gây ra phá rừng và do vậy làm gia tăng lũ lụt.
Ngoài ra, việc san đồi núi tạo các mặt bằng xây dựng có thể làm gia tăng mức độ bất ổn định của các khối đất đá, làm gia tăng khả năng trượt lở đất và gây những thiệt hại về người và của.
Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng hiện nay phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cần được thực hiện ở các vùng núi cao để phục vụ xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống người dân và phát triển kinh tế – xã hội. Như vậy, việc xây dựng đường sá của các thủy điện có thể coi là một phần đóng góp phát triển kinh tế – xã hội các vùng cao, xa xôi, hẻo lánh.
Do những tác động môi trường của thủy điện, tôi không ủng hộ thủy điện và nếu được chọn thì tôi sẽ làm theo cách của Mỹ, phá thủy điện cũ đi, không xây thêm thủy điện mới mà chỉ phát triển nhiệt điện và các dạng năng lượng khác. Tuy nhiên, đặt ra điều đó với Việt Nam là rất khó. Phát triển kinh tế mà giảm tiêu thụ điện là chuyện chỉ có trong tưởng tượng.
Một điều rất quan trọng cần phải nhấn mạnh về thủy điện nhỏ là năng lượng gió và mặt trời rất không ổn định và cần nguồn để ổn định lưới. Thủy điện nhỏ với đặc tính cần rất ít thời gian khởi động, giúp ổn định hệ thống điện với năng lượng sạch rất hiệu quả. Thủy điện nhỏ nếu thiết kế và xây dựng tốt, có cửa xả bùn cát đáy thì gây tác động môi trường rất ít. Đó cũng là lý do mà nhiều nước phát triển (như Thụy Điển) xây dựng rất nhiều thủy điện nhỏ.
TS NGUYỄN HUY HOẠCH, thành viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:
Quản lý quy hoạch thủy điện còn chồng chéo
Hiện tại, công tác quy hoạch thủy điện nước ta đã thực hiện tốt, làm đúng vai trò là khai thác triệt để, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành vẫn còn những tồn tại cần giải quyết.
Trước hết, công tác quản lý quy hoạch thủy điện còn chồng chéo giữa các bộ, ngành. Bộ TN&MT quy hoạch phát triển tài nguyên nước, Bộ Công Thương quy hoạch bậc thang thủy điện, Bộ NN&PTNT quy hoạch thủy lợi…
Thứ hai, việc phân cấp cho địa phương chưa phù hợp. Các quy hoạch vùng do địa phương quản lý thường được ưu tiên giao cho các đơn vị tư vấn trên địa bàn thực hiện. Trong khi trình độ, kinh nghiệm của các đơn vị này còn non kém, điều tra, khảo sát không đầy đủ dẫn đến chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng.
Thứ ba, các dự án thủy điện nhỏ do địa phương quản lý. Việc giao lập dự án đầu tư cho các đơn vị tư vấn hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư chưa xem xét kỹ về năng lực tài chính và kinh nghiệm, chất lượng hồ sơ dự án đăng ký đầu tư, điều kiện đầu tư không đảm bảo về mặt kỹ thuật.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng chưa được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đúng mức. Một số dự án được khởi công xây dựng khi chưa đảm bảo các điều kiện về trình tự xây dựng cơ bản. Việc kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư đối với các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công chưa được thường xuyên, đầy đủ để đảm bảo chất lượng công trình, các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường…
Nghiên cứu cách thoát lũ nhanh ra biển
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hiện nay ở một số tỉnh đều có các hồ lớn điều tiết lũ, như Hà Tĩnh có hồ Ngàn Trươi; Nghệ An cũng có ba, bốn hồ rất lớn; Thanh Hóa cũng có hồ Cửa Đạt; Thừa Thiên-Huế có hồ lớn Tả Trạch. Trong đợt lũ vừa qua, nếu không có hồ Tả Trạch thì cơn lũ tại TP Huế vào thời điểm cao nhất sẽ tăng 0,05 m nước. Riêng Quảng Bình, Quảng Trị không có hồ lớn nào để cắt lũ vì địa bàn hai tỉnh này quá hẹp, không đủ điều kiện để làm hồ lớn. Do vậy, để giải quyết tình hình ngập lụt nếu xảy ra ở Quảng Bình, Quảng Trị khi không có hồ lớn để điều tiết thì phải dùng điều tiết ở các hồ thủy điện, thủy lợi nhỏ. Nhưng vì hồ nhỏ, không có dung tích phòng lũ lớn nên không có tác dụng nhiều. Ở những khu vực này chủ yếu điều hành làm sao không để lũ chồng lũ. “Hiện chúng tôi đang nghiên cứu làm cách nào để thoát lũ nhanh ra biển” – ông Hiệp cho biết. Về công tác phòng, chống lũ, sạt lở đất, biến đổi khí hậu ở khu vực miền Trung, ông Hiệp cho rằng về nguyên tắc thì tất cả hồ chứa, cả hồ thủy điện, thủy lợi đều tích nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô. Nếu không có các hồ này, kể cả hồ thủy điện thì sản xuất ở miền Trung gặp rất nhiều khó khăn vì mùa khô sẽ không có nước để sinh hoạt. Trong mùa mưa lũ, các hồ này phải tuân thủ quy trình vận hành đã có. Tức là khi dự báo có lũ đến thì phải xả nước trước khi lũ về để lấy dung tích đón lũ, cắt lũ cho hạ du. Nhưng thực tế trong vận hành có một số hồ thực hiện có thể chưa nghiêm quy trình này. Do vậy phải rà soát và kiểm soát, theo dõi và có kết nối liên hồ bằng điều hành tự động để theo dõi cả lượng nước về và lượng nước ra từng hồ, từ đó mới điều hành tổng thể. Vấn đề này đang được Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương triển khai rất tích cực. |