Lúc 22 giờ tối nay 28.10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, lãnh đạo Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành họp khẩn về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại Nam Trà My vùi lấp nhiều nhân mạng.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện đã có thông tin ban đầu về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tối 28.10 tại xã Trà Leng và Trà Vân (Nam Trà My), tuy nhiên đường đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận.
Vụ sạt lở tại thôn 1 xã Trà Leng làm 45 người dân mất tích, trước đó có 4 người may mắn thoát nạn. Vụ sạt lở tại thôn 1 xã Trà Vân có 8 người mất tích, thông tin mới nhất lúc 23 giờ đêm nay là đã tìm thấy 7 thi thể.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, mặc dù đã có sự lường trước về hậu quả do mưa bão. Chúng ta đã chủ động phòng chống bão nhưng đối với sạt lở đất thì thật sự khó đoán.
“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện chỉ đạo phải khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, cứu người còn sống sót. Tôi đánh giá rất cao lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 rất chủ động, tập trung, xây dựng phương án khẩn cấp tìm kiếm. Tuy nhiên việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn do địa bàn xảy ra sự cố rất phức tạp. Cạnh đó do mưa kéo dài, cộng cơn bão số 9 gây mưa cục bộ trong thời gian ngắn nên gây sạt lở đất tại nhiều điểm khi vào hiện trường” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần với phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. Đồng thời thống nhất thành lập Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đặt tại Bắc Trà My để thực hiện nhiệm vụ này, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng chỉ huy. Lực lượng bao gồm quân đội, công an, giao thông, cơ quan chức năng liên quan của địa phương và lực lượng Quân khu 5.
Sở chỉ huy sẽ chia làm 2 cánh quân, một cánh tại thôn 1 xã Trà Leng và một cánh tại thôn 1 xã Trà Vân. Sở chỉ huy có nhiệm vụ tổ chức xác định vị trí, đón người nhà nạn nhân và bố trí họ tại xã, sớm xác định được hướng tuyến, tập trung lực lượng tìm kiếm cứu nạn…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công an chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự tại 2 khu vực tìm kiếm; cử lực lượng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Bộ GT-VT phối hợp, hỗ trợ mọi phương tiện cần thiết một cách nhanh nhất. Kinh nghiệm từ vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) là huy động lực lượng đưa xe của các đơn vị thi công công trình làm nhiệm vụ. Bộ Y tế thường trực các vị trí trên. Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 huy động toàn bộ lực lượng, nòng cốt là lực lượng vũ trang…
“Trong quá trình tìm kiếm phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lực lượng, rất thận trọng nhưng phải đảm bảo công tác tìm kiếm diễn ra khẩn trương. Nếu thời tiết tốt thì phải khẩn trương từng ngày, từng giờ. Sáng mai (29.10) tôi sẽ cùng các đồng chí đi lên Sở chỉ huy, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm này” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Tối 28.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công điện về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại xã Trà Leng. Công điện gửi: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam.
Nội dung công điện như sau: Tối 28.10.2020, tại thôn 1 xã Trà Leng đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |