Đến thời điểm này, bão số 9 đã giảm 2 cấp, từ cấp 14 xuống còn còn cấp 12, giật cấp 14 và đang tiến vào đất liền, tâm bão cách Đà Nẵng chỉ khoảng 250km.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đến thời điểm này, bão số 9 đã giảm 2 cấp, từ cấp 14 xuống còn cấp 12, giật cấp 14, cách bờ biển Đà Nẵng 250km và đang tiến vào đất liền.
Ông Hoàng Đức Cường cho biết, thời điểm này, các đài nước ngoài vẫn dự báo là bão đang ở cấp 14 và giật cấp 17. “Sở dĩ có sự chênh lệch này là vì chúng tôi có dữ liệu rada gần bờ nên số liệu thực tế hơn”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường thì Đà Nẵng thời điểm này đang có gió cấp 8 và đến 9h, khi tâm bão đổ bộ vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi thì gió sẽ lên cấp 10, giật cấp 12.
Thực tế ngoài trời, Đà Nẵng lúc này bắt đầu chuyển từ trạng thái yên lặng từ sáng sớm sang mưa lớn và gió giật, nhưng vẫn chưa có cảm giác là bắp sắp đến.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định: Khoảng 1-2 giờ nữa, diềm ngoài của bão sẽ vào bờ.
“Chúng ta có thuận lợi là bão sẽ vào ban ngày nên dễ quan sát. Tuy nhiên, bất lợi là mưa toàn tuyến từ hôm qua đến giờ và sắp tới dự báo sẽ có mưa rất lớn. Chúng ta phải cẩn thận đề phòng và lên phương án cho việc lũ lớn, sạt lở đất sẽ xuất hiện ngay sau bão”, ông Cường nói.
Phát biểu tai cuộc họp đầu giờ sáng 28.10 ở Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão lũ số 9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt chẽ người dân ở các khu sơ tán tập trung.
“Hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương trời vẫn đang yên nên sẽ xuất hiện tâm lý chủ quan, nghĩ rằng bão sẽ không vào nên tìm cách quay lại nhà mình hoặc các lồng bè trên biển. Điề này sẽ vô cùng nguy hiểm bởi theo dự báo, thì khoảng 9h bão sẽ đổ bộ nên tuyệt đối không chủ quan”, Phó Thủ tướng nói.