Người dân vùng lũ cần gì?

Sau nhu yếu phẩm cấp thiết, người dân vùng lũ lụt miền Trung đang cần vật tư, thiết bị để ổn định cuộc sống và ứng phó với tình hình cấp thiết khi bão tiếp tục uy hiếp
N nhiều người dân vùng lũ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế… cho biết sau những tình huống cấp bách khi lũ dâng cao, nay họ cần vật tư để tái thiết cuộc sống và chuẩn bị ứng phó vớibão lũ sắp tới.

Vùng ngập thiếu ghe, thuyền

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Báo Người Lao Động đã gặp gỡ và trao đổi với nhiều lãnh đạo địa phương tại Quảng Bình, ai cũng bày tỏ mong muốn địa phương được trang bị xuồng loại nhỏ để cứu hộ, cứu nạn người dân mỗi khi lũ đến.

Theo tìm hiểu, người dân 9 xã vùng Nam của thị xã Ba Đồn, như: Quảng Văn, Quảng Lộc, Quảng Hải, Quảng Minh… và 2 xã Quảng Thanh, Quảng Phương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đều nằm ở hạ lưu ven sông Gianh. Lũ đến, nơi đây trở thành “túi nước”, bị ngập và cô lập.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, nhớ lại lũ lịch sử vừa rồi khiến hơn 1.400 nhà dân tại 4 thôn của địa phương ngập lụt, có nơi ngập sâu tới 3 m. Khi nước ngập tới nóc nhà, người dân kêu cứu khắp nơi nhưng xã lại chưa được trang bị phương tiện cứu hộ dù có lực lượng tại chỗ nên “lực bất tòng tâm”.

Trong khi đó, lực lượng, phương tiện cứu hộ của huyện thì chủ yếu tập trung ở địa bàn ngập lụt xung yếu, bị cô lập nên di chuyển phải mất từ 1-3 giờ mới tiếp cận được. “Thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”, người dân kêu cứu khắp nơi nhưng xã lại không có lấy 1 chiếc thuyền cứu hộ. Nguy cấp quá đành phải chặt cây chuối kết thành bè cứu người như đưa sản phụ đi sinh, chuyển người ốm đau… rất nguy hiểm. Trước đây, từng có nhiều trường hợp phải bỏ mạng vì không có phương tiện ứng cứu tại chỗ. Lỡ xảy ra sự cố thì không lường trước được, địa phương mong được trang bị thuyền cứu hộ” – ông Trung nói.

Ngoài lực lượng chuyên nghiệp, người dân vùng lũ cần ghe, thuyền để cứu hộ tại chỗ Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình – cho rằng thuyền nhôm chính là phương tiện thuận lợi nhất để cứu dân nguy cấp trong lũ, bởi lúc nước dâng cao, chảy xiết thì các phương tiện canô, thuyền máy… khi di chuyển không may gặp vật cản, rất dễ bị lật, ảnh hưởng đến công tác cứu hộ. Thuyền nhôm len lỏi được vào ngõ ngách dễ tiếp cận hiện trường, nhà dân để ứng cứu là phương tiện hợp lý vào lúc này. Địa phương cần nhất là 1-2 chiếc thuyền nhôm, giá tầm 30-40 triệu/chiếc.

“Vừa rồi, đoàn anh em đi thuyền lớn cứu hộ, không may vướng dây điện bị lật, cả đội cứu hộ rơi xuống nước lũ rất nguy hiểm. Lực lượng cứu hộ tại chỗ luôn có nhưng chỉ có mỗi chiếc áo phao, không có phương tiện cũng không dám đi xa” – ông Phúc nhớ lại.

Gầy dựng lại ruộng vườn

Những ngày qua, có mặt tại vùng tâm lũ huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh – nơi trận lũ lịch sử từ ngày 18 đến 21-10 đã gây thiệt hại gần 1.200 tỉ đồng, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân – phóng viên đã chứng kiến cảnh cơ cực của người dân. Đói, rét trước mắt đã qua khi hằng ngày người dân nhận được nhiều quần áo, mì gói, bánh chưng từ chính quyền, các đoàn cứu trợ. Tuy nhiên, cuộc sống phía trước của những người dân sẽ rất khó khăn vì khi lũ rút, nhiều nhà dân đã mất hết tài sản.

Chị Nguyễn Thị Hường (ngụ xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên), kể: “Nhà có đàn lợn, mấy chục con gà đã bị nước cuốn trôi. Giờ nếu không được hỗ trợ tiền để mua con giống tái sản xuất thì sắp tới cả gia đình không biết lấy gì sống qua ngày”. Đây là tình cảnh chung của hầu hết người dân nơi đây. Lũ rút rồi nhưng khó khăn còn chồng chất bởi tài sản đã trôi theo dòng nước. Mua con giống, gầy dựng lại ruộng vườn phải cần số tiền không nhỏ trước mắt.

Ông Phạm Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên – cho biết những ngày qua, người dân vùng ngập lũ nặng của huyện được rất nhiều đoàn cứu trợ ủng hộ tiền, quần áo, bánh chưng, áo phao. Hiện người dân rất cần hỗ trợ về kinh phí để mua con giống tái sản xuất. Huyện Cẩm Xuyên là vùng rốn lũ, mỗi khi hồ Kẻ Gỗ xả lũ thì người dân nơi đây lại ngập chìm trong biển nước.

Một người thường xuyên làm công tác thiện nguyện và cứu trợ người dân vùng lũ là ông Phan Văn Đức, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), cho rằng các đoàn cứu trợ cần xác định 3 mốc thời gian gồm trước, trong và sau lũ để có thể đưa đến những mặt hàng thiết thực cho người dân. Trước khi lũ tới, người dân cần các phương tiện phòng tránh lũ như ghe thuyền, áo phao, lương thực.

Giữa lúc nước lũ bao vây, nhiều người không kịp chuẩn bị thức ăn nên các loại thực phẩm ăn liền để cứu đói như mì tôm, bánh chưng – bánh tét, bánh ngọt, lương khô là rất thiết thực. Tuy nhiên, khi lũ đi qua rồi thì tốt nhất là trao tiền cho người dân bị thiệt hại để họ chủ động mua những thứ thiết yếu để tái thiết cuộc sống như cây giống, vật nuôi, công cụ lao động… Nếu trao quà, nên trao các loại có thể sử dụng được lâu dài như gạo, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, chăn màn…

Mùa mưa bão còn dài, thời gian chăn nuôi, trồng trọt còn lâu nên trước mắt người dân vùng lũ cần gạo để chờ đến mùa giáp hạt. Tùy từng gia đình có cách tổ chức sản xuất khác nhau nên cũng không thể đánh đồng cùng loại cây, con giống. Hỗ trợ tiền mặt là cách làm ổn thỏa nhất để từng gia đình tổ chức lại sản xuất, sửa chữa lại nhà cửa, lo lắng cho con cái. Các nguồn quỹ hỗ trợ người dân khi thiên tai, địch họa chính lúc này sử dụng có ý nghĩa nhất, phát huy hiệu quả cao nhất.

Đề xuất cấp bổ sung 6.500 tấn gạo cho 4 tỉnh miền Trung

Ngày 26-10, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ bổ sung gạo cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam, ngày 19-10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1593/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh nêu trên, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa, lũ gây ra thiệt hại quá nặng nề, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và đề nghị hỗ trợ gạo bổ sung của các địa phương, Bộ LĐ-TB-XH trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bổ sung 6.500 tấn gạo (bằng mức do Bộ Tài chính đề xuất) từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, mưa lũ. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình: 2.500 tấn, Quảng Trị: 2.000 tấn, Thừa Thiên – Huế: 1.000 tấn và Quảng Nam: 1.000 tấn.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã làm 130 người chết, 20 người mất tích; hơn 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng, 1.418 ha lúa bị ngập; 7.871 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 7.039 con gia súc và 927.792 con gia cầm chết, bị cuốn trôi.

Vì miền Trung ruột thịt

Nhằm kết nối những tấm lòng hướng về miền Trung lũ lụt, Báo Người Lao Động phát động chương trình “Trái tim miền Trung”. Mọi sự đóng góp xin gửi về tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884, Báo Người Lao Động. Nội dung: Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt qua chương trình “Trái tim miền Trung”.

Bạn đọc và các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp gửi tại tòa soạn Báo Người Lao Động (123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM) hoặc các văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc của báo trên cả nước:

– Hà Nội: 16F Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Điện thoại (ĐT): (024) 39274484.

– Đà Nẵng: 152 Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu. ĐT: (0236) 3837623.

– Tây Nguyên – Nam Trung Bộ: 6 Lê Thánh Tôn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. ĐT: (0258) 3510889.

– TP Cần Thơ: 97 Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều. ĐT: (0292) 3814462.

– Đông Nam Bộ: 16 Nguyễn Du, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. ĐT: 0903343439.

– Phú Quốc: 58 Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông. ĐT: 0909767779.

Báo Người Lao Động sẽ tổ chức cứu trợ, nhanh chóng chuyển đến đồng bào vùng mưa lũ.

Danh sách tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào miền Trung được đăng chi tiết trên Báo Người Lao Động điện tử tại nld.com.vn

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc.

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG