Để đủ cho nước hồ Tonle Sap, dòng sông cùng tên sẽ đảo dòng 2 lần mỗi năm nhưng hạn hán và các con đập đã chặn đứng hiện tượng độc nhất vô nhị này.
Cách không xa ngôi đền trứ danh Angkor Wat, những cọc sàn giữ cho các ngôi nhà gỗ an toàn trong nước lũ đã trở nên vô dụng: nền đất phía dưới khô rang.
Lẽ ra vào tháng 9 – tháng cao điểm của mùa mưa, những làng nổi ở bờ thượng hồ Tonle Sap đã ngập trong lũ nhưng có điều gì đó đi lệch hướng. Con sông được định danh theo hồ thường đưa hàng tỷ mét khối nước vào mỗi mùa mưa vẫn êm đềm, còn hồ nước vốn sẽ dâng lên và rút nước xuống như nhịp tim đập 2 lần mỗi năm qua hàng nghìn năm cũng trải qua mùa khô khắc khoải.
“Chúng tôi không thấy nước lên như trước”, ngư dân 50 tuổi Kheav Cheam cho biết. “Trong quá khứ, nước dâng cao hơn rồi tràn vào hồ nên chúng tôi đánh được cá. Nhưng hiện giờ, nước không vào hồ, cá cũng không lớn”.
Ở Campuchia, cá là nguồn chất đạm chính của 80% dân số. Cheam (sống cùng gia đình trên một chiếc thuyền nhỏ đi đi lại lại giữa con sông và hồ) kiếm sống nhờ sông nước cả đời nhưng giờ ông thường không bắt đủ cá để mua xăng dầu. “Chúng tôi sợ những người ở thượng nguồn đóng đập lại thì khi đó càng tuyệt vọng hơn. Tình hình đánh cá ngày càng tệ, tương lai chắc không còn nghề đánh cá nữa vì đâu còn nước”.
Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và là một trong những ngư trường nội địa tốt nhất thế giới. Năng suất ngư nghiệp nơi đây có được nhờ vào chức năng thủy văn độc nhất vô nhị. Hồ nhận nước từ sông Tonle Sap – một dòng nhánh của sông Mê Kông đổi dòng hai lần mỗi năm mang nước, dinh dưỡng và cá di cư từ các nhánh thượng nguồn về. Lần đảo dòng chảy thứ nhất thường diễn ra vào tháng 5 khi sông Mê Kông dâng nước vì mùa mưa tới sẽ đưa nước vào sông Tonle Sap rồi vào hồ. Vào tháng 11, nước trong hồ đạt mức vượt hơn lượng chảy vào và đẩy dòng nước ngược lại Mê Kông.
Xung lũ này đưa diện tích hồ Tonle Sap lên gấp 6 lần trong mùa mưa – tương đương gần 10.000 km2. Cá về nhiều đến nỗi đủ nuôi người dân trong cả nghìn năm qua. Ngày nay khoảng 500.000 tấn cá từ hồ và hàng triệu tấn từ các nhánh thuộc lưu vực Mê Kông ra sông mỗi năm. Xung lũ chậm lại thì luồng cá sẽ nhanh chóng biến mất.
Năm ngoái, sông Tonle Sap đảo dòng chỉ trong 6 tuần và chậm hơn bình thường vài tháng. Năm nay, nhiều người tin rằng dòng sông thậm chí không đảo dòng. Biến đổi khí hậu và các con đập khiến mực nước dòng sông thấp đến mức không thể đảo dòng nữa.
Thường thì chu trình đảo dòng diễn ra trong 160 ngày, đưa 3,37 km3 nước lũ vào hồ – theo dữ liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC). Báo cáo mới được MRC công bố tháng 9 cũng cho thấy đà suy giảm này, suốt 3 tháng 7-8-9, hồ Tonle Sap chỉ đạt dung tích nước bằng 1/4 bình thường. Dung tích này chỉ bằng 1/2 năm 2019 – năm Mê Kông ghi nhận mức nước thấp kỷ lục khiến hạn hán xảy ra khắp khu vực.
“Chúng tôi không biết có gì không ổn với dòng nước”, ngư dân 33 tuổi Im Kim Rai thắc mắc khi lượng cá bắt được giảm nhiều. “Tôi chưa bao giờ thấy nước thấp thế này”.
Kim Rai sống trên sông Mê Kông ở Kampong Cham, cách Phnom Penh hơn 40km. Cá trên Mê Kông giảm nhiều, mực nước trong tháng 9 còn giảm hơn cả năm ngoái nên Kim Rai và vợ con phải phả xuôi dòng Mê Kông đến ngã ba giao với sông Tonle Sap để mong đánh bắt được nhiều hơn nhưng khi tới Phnom Penh thì “chúng tôi đi đánh cá 10 lần nhưng không bắt được gì”.
Giám sát của MRC cho thấy mực nước sông Tonle Sap trong tháng 9 chỉ bằng 1/2 độ sâu trung bình. Cuối tháng 9/2019, dòng sông đạt mực nước cao nhất ở cảng Phnom Penh cũng chỉ cao 8,5 m (năm nay là 4,4 m). Cảng này nằm ở cuối hạ du sông Tonle Sap và chỉ cách ngã ba với sông Mê Kông chưa đầy 2 km.
Đến giữa tháng 10, dù bão và lũ quét tràn qua Campuchia, mực nước sông Tonle Sap cũng không đạt nổi mức 5m – mực nước được coi là điểm đủ để sông đảo dòng, theo chuyên gia Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson.
“Mê Kông có thể có nhiều bão hơn vào mùa mưa năm nay nhưng xung lũ sẽ dâng lên rồi rút xuống rất nhanh thôi”.
MRC cho biết sông Tonle Sap đảo dòng ngày 4/8 nhưng mực nước qua thấp và lượng nước vào hồ quá ít nên có lẽ hiện tượng không thật sự xảy ra đúng nghĩa. “Dòng chảy Mê Kông vào hồ Tonle Sap đang đảo dòng nhưng ở mức rất ít, vì thế tình hình rất, rất nghiêm trọng”, Sopheak Meas, cán bộ truyền thông MRC cho biết vào đầu tháng 10.
Đập thủy điện nở rộ khắp lưu vực Mê Kông khiến Tonle Sap lao đao nhiều năm nay nhưng tốc độ hồ nước ngọt lớn nhất khu vực tàn lụi vẫn khiến ngư dân ngạc nhiên. Chỉ mới hơn 2 thập kỷ, mực nước sông Tonle Sap giảm khoảng 2 m, 5 năm vừa qua là những năm nóng kỷ lục, hiện tượng El Nino lặp lại dẫn tới hệ lụy là những trận hạn hán tàn phá Đông Nam Á. Bất kỳ cơ hội nào giúp hồ hồi phục trước biến đổi khí hậu đều bị các con đập trên khắp dòng chính và các dòng nhánh Mê Kông chặn đứng.
Từ những năm 1990, đập thủy điện được xây dựng liên tục trên sông Mê Kông. 11 đập đang vận hành ở thượng nguồn (còn gọi là sông Lan Thương) và 2 đập ở hạ nguồn (tại Lào) cùng hàng tá đập khác đang triển khai. Tại các dòng nhánh hiện có tới hơn 100 con đập cùng 400 con đập được lên kế hoạch. Các con đập nhanh chóng làm nghẽn dòng chảy xuống hạ nguồn. Để sông Tonle Sap đảo dòng, lượng nước sông Mê Kông phải đạt mức nhất định nhưng năm ngoái, Mê Kông có mực nước thấp kỷ lục, năm nay tình hình thậm chí còn tệ hơn.
“Tonle Sap đã qua được nhiều mùa khô gian khó. Hệ thống thích nghi được và ngư nghiệp có thể phục hồi. Nhưng các con đập là sát thủ trên đường cá di cư và gây hiệu ứng vĩnh viễn với Tonle Sap cả mùa khô và mùa mưa”, Eyler phân tích.
Giới nghiên cứu lâu nay đã cảnh báo về mối nguy hiểm từ các con đập tới hệ sinh thái lưu vực Mê Kông: chặn đường cá di cư, ngăn trầm tích giàu dinh dưỡng đến các vùng ngập lũ. Giới phân tích an ninh cũng cảnh báo về mối nguy hiểm cố hữu khi một quốc gia thượng nguồn kiểm soát dòng chảy của một trong những dòng sông dài nhất thế giới. Những điều này đang trở thành hiện thực.
Nghiên cứu của tổ chức Eyes on Earth cho thấy năm ngoái Trung Quốc đã trữ lại lượng nước chưa từng thấy dù lưu vực hạ nguồn Mê Kông đang gánh chịu hạn hán tồi tệ nhất trong hàng thế kỷ. Trung Quốc phủ nhận nghiên cứu này, biện bạch rằng vẫn xả lượng nước cần thiết dù chính nước này cũng ít mưa. Nhưng phát hiện từ nghiên cứu rất rõ ràng, nhất là khi Trung Quốc đang muốn thể hiện vai trò lãnh đạo với khu vực Mê Kông.
“Nếu các con đập của Trung Quốc không giữ nước thì từ tháng 4/2019 cho tới nay, khu vực Mê Kông dọc biên giới Thái Lan – Lào sẽ có mực nước hơn mức trung bình chứ không phải chịu hạn hán nghiêm trọng”, báo cáo của Trung tâm Stimson nêu rõ.
Có thể cảm nhận được niềm tuyệt vọng khi năm thứ 2 liên tiếp ngư dân Campuchia chật vật với hạn hán, nhất là với nhiều người thuộc nhóm nghèo nhất nước: không có đất đai, lại gánh món nợ oằn lưng trong khi sinh kế ngày càng khó đoán định. “Chúng tôi không biết phải làm gì khi người ta đóng các con đập ở thượng nguồn”, Kheav Cheam buồn bã. “Cách duy nhất là chính phủ yêu cầu các nước khác xả nước. Chúng tôi là con người nhưng chúng tôi không có quyền gì cả”.
Nhật Anh (Theo Vice)