Khẩn cấp cứu đê biển Tây

Tuyến đê biển Tây Cà Mau đang bị tàn phá bởi mưa giông liên tục cộng với triều cường, nhiều hộ dân sống trong đê lâm vào tình thế rất nguy hiểm

Mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường dâng cao những ngày qua đã khiến hàng ngàn mét đê biển Tây đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn là nhiều diện tích đai rừng phòng hộ bảo vệ đê bị sóng biển cuốn trôi hoặc còn lại rất mỏng.

Mất ngủ vì lo đê vỡ

Suốt nửa tháng qua, ông Nguyễn Văn Khởi cũng như hàng chục hộ dân sống cạnh đê biển Tây (thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) không có được một đêm yên giấc. Họ lo âu cho sự an nguy của gia đình trong những ngôi nhà tạm bợ bên cạnh con đê biển đang chực chờ bị đánh vỡ. Chỉ tay về phía con đê đang trân mình chịu từng cơn sóng dữ, lão nông 57 tuổi thở dài: “Mưa dội xuống như trút, sóng thì dập liên hồi, chẳng biết con đê chịu đựng được đến bao lâu”.

Nếu con đê không cầm cự nổi thì cũng có nghĩa hàng loạt ngôi nhà, vườn rau, ao cá, vuông tôm của người dân trong đê trở thành “mồi” cho sóng dữ. Xấu hơn nữa là đe dọa đến tính mạng con người.

Ông Khởi cho biết đã sinh ra và sống ở đây gần cả đời người, dù mùa mưa bão hằng năm sóng biển vẫn nuốt đất, nuốt rừng nhưng chưa bao giờ ông thấy đê biển Tây bị đe dọa trực diện như những năm gần đây, mỗi năm càng nghiêm trọng. “Hồi tôi còn trẻ, từ đê ra tới biển phải băng qua cánh rừng phòng hộ hàng cây số, sóng biển không thể nào tiếp cận được chân đê. Vậy mà bây giờ, dãy rừng xanh bạt ngàn chỉ còn là sóng nước, kè bê-tông cũng khó trụ được qua mùa thứ hai” – ông Khởi lo lắng.

Tuyến đê biển Tây lâu nay như một thành lũy bảo vệ hơn 120.000 ha đất sản xuất; bảo vệ hệ sinh thái rừng tràm và cả vùng nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn hộ dân. Nó vốn khó bị sóng biển đe dọa bởi còn một lá chắn rừng phòng hộ khá dày chạy dọc chiều dài thân đê. Tuy nhiên, theo thời gian, từng mảng rừng phòng hộ bị sóng nuốt dần, uy hiếp trực tiếp vào thân đê. Tính mạng, tài sản, mùa màng của người dân bên trong chỉ cách hiểm nguy bằng “tấm lá chắn” đê biển Tây khá mong manh.

Đai rừng phòng hộ, những tấm lá chắn cuối cùng của đê biển Tây đang dần bị sóng biển nuốt chửngẢnh: DUY NHÂN
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, trong một lần kiểm tra đê biển TâyẢnh: VÂN DU

Tuyệt đối không để mất đai rừng

Ông Nguyễn Huỳnh Trung – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang – cho biết do ảnh hưởng bởi rìa phía Nam hoàn lưu áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 6 và số 7 kết hợp gió Tây Nam hoạt động mạnh nên tuyến đê biển (đê quốc phòng) từ Tiểu Dừa đến vàm Kim Quy trên địa bàn xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây của huyện An Minh đã xuất hiện 14 đoạn sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 720 m. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ khắc phục và gia cố để hạn chế thiệt hại cũng như bảo vệ sản xuất bên trong đê.

Trong khi đó, đê biển Tây địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài 55 km, được nâng cấp hoàn thành giữa năm 2019, kinh phí thực hiện khoảng 1.600 tỉ đồng. Tuyến đê này bảo vệ cư dân và vùng sản xuất cho 5 xã của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Do ảnh hưởng của mưa bão trong những ngày qua đã đặt đê biển Tây trong tình trạng báo động. Đến thời điểm này, đã xuất hiện 5 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có tổng chiều dài 5.835 m. Trong đó, huyện Trần Văn Thời có 3 điểm sạt lở gồm: Đoạn Kênh Mới đến Đá Bạc, đoạn từ Đá Bạc đến Sào Lưới, đoạn Bắc Sào Lưới về Ba Tĩnh; huyện U Minh có 2 điểm sạt lở gồm: Đoạn Bắc – Nam Vàm Khánh Hội, Giồng Cát đến Tiểu Dừa. Các đoạn bị sạt lở đang diễn biến rất phức tạp. Có nơi đai rừng còn rất mỏng, thậm chí không còn đai rừng phòng hộ, uy hiếp trực tiếp đến thân đê, nguy cơ ảnh hưởng khu dân cư tập trung, hệ thống điện cao thế, trung thế, trạm y tế, trường học…

Trước nguy cơ vỡ đê khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với 2 huyện trên khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển cảnh báo. Các huyện phải bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở, khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở bảo vệ đê…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo cương quyết việc vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực đê biển Tây; giới hạn tải trọng xe lưu thông qua khu vực này…

Cần có vùng đệm bảo vệ đê

ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết đê biển Tây có thiết kế rất sát với bờ biển, nhiều đoạn bên đây là đê, còn phía ngoài là biển, không có lớp đệm nên đê không được bảo vệ. Tại Bạc Liêu, có những khu làm bờ kè rất chắc, đổ bê-tông cốt sắt nhưng cuối cùng sóng đập một vài năm rồi hư do không có vùng đệm bảo vệ. Giải pháp hiện nay, theo ông Vinh, đối với đoạn sạt lở thì để cho nước ngập luôn, không cần làm lại nhưng như vậy một lúc nào đó nước mặn sẽ tấn công tới Cà Mau. Còn cách thứ hai là làm lại đê biển nhưng phải có nghiên cứu, thiết kế hợp lý hơn, cụ thể là cần có vùng đệm, ngoài vùng đệm nên có bờ kè chống sóng ngầm.

C.Linh