Ngay sau khi bão số 8 đổ bộ vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị thì gần Biển Đông có thể xuất hiện tiếp một cơn áp thấp nhiệt đới/bão.
Chiều 23-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 8. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Trung tâm KTTVQG) cho biết, hồi 13 giờ chiều nay, 23-10, bão số 8 đang ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Dự báo đến 13 giờ ngày 25-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm KTTVQG cho biết, hiện bão số 8 đang ở giai đoạn mạnh nhất và duy trì ở cấp 12 trong 12-18 giờ tới, sau đó suy yếu. Khi bão vào Vịnh Bắc Bộ chỉ còn ở cường độ cấp 8-9, tiến gần ven biển của các tỉnh bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2-4m.
Thông tin thêm, ông Khiêm cho biết hiện nay ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có 4 xoáy thấp nhiệt đới, trong đó có một cơn trên Biển Đông và một cơn ngấp nghé vào Biển Đông.
“Dự báo ngày 25-10 sẽ kết thúc bão số 8, nhưng ngay sau đó, Trung tâm KTTVQG sẽ phát tin áp thấp nhiệt đới/bão gần Biển Đông. Ngày và đêm 26-10 đến sáng 27-10 chúng tôi sẽ phát tin bão số 9″, ông Khiêm cho biết.
Thông tin tại cuộc họp, thượng tá Nguyễn Đình Hưng, phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ tư lệnh Biên phòng) cho biết đến 11h trưa 23-10, còn 4 tàu/31 ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm. Trong đó, có 1 tàu/11 người dự kiến neo đậu trên đảo Đá Lồi (Hoàng Sa), 2 tàu/15 ngư dân đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, khả năng 6h chiều thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Dù đã được cảnh báo nhưng một tàu cá của Bình Định cùng 5 ngư dân vẫn hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) và bị chết máy giữa tâm bão số 8. Hiện tàu đang thả phao xin cứu hộ khẩn cấp.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, mặc dù bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu khi vào gần bờ, nhưng các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng không được chủ quan.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan, địa phương triển khai các hoạt động bảo đảm hoạt động trên biển phải an toàn; rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tại các khu tránh trú bão; rà soát không để người trên các phương tiện khi bão đổ bộ; Quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi; rà soát, kiểm đếm tàu thuyền.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch (du lịch đảo, ven biển), sản xuất nuôi trồng thủy hải sản; nhất là an toàn về người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; Bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, có biện pháp để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ với các tàu đang bị sự cố (hạn chế thiệt hại do sự cố môi trường có thể xảy ra).
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh phải rà soát chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản đối với khu vực ven biển, vùng trũng thấp và nhà yếu; kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều nhất là các công trình xung yếu, đang thi công; khu vực sạt lở; quản lý an toàn giao thông nhất là khi bão vào, tránh thiệt hại về người và tài sản.