Với thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.
Chiều 22/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới (WB) – cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).
Với Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, đây là khoản chi trả dựa trên kết quả thực tế. Các chỉ tiêu cơ bản làm cơ sở cho việc này đó là phải giảm được khí nhà kính tại khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phải định kỳ báo cáo lượng giảm phát thải sau khi đã được xác nhận của cơ quan quốc tế độc lập thì sẽ nhận được các khoản thanh toán và sử dụng nó để đầu tư, quản lý rừng và đất rừng bền vững.
Theo bà Carolyn Turk, chưa bao giờ có một thỏa thuận quy mô lớn như vậy ở Việt Nam cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, đây không chỉ tạo nguồn tài chính chiến lược để đầu tư vào nông nghiệp mà còn thể hiện sự đóng góp quan trọng để đạt được các mục tiêu về giảm tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Thỏa thuận cũng mở cửa các hình thức tài chính các-bon quốc tế khác trong tương lai kể cả khu vực tư nhân, đây chỉ là nguồn tài chính đầu tiên được đưa vào Việt Nam.
Để ký được thỏa thuận này, Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu rất cao về kỹ thuật như: năng lực đo lường, báo cáo về lượng phát thải theo chuẩn mực quốc tế, cũng như khả năng phân phối, chi trả các khoản cho các đối tượng được hưởng lợi ở các địa phương, bà Carolyn Turk đánh giá.
Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam được thực hiện nhằm hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, qua đó giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng.
Khu vực Bắc Trung Bộ được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế-xã hội.
Toàn khu vực có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu ha; trong đó 80% là đồi núi, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận.
Diện tích rừng của khu vực trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.
Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả là tiếp nối quá trình chuẩn bị, sẵn sàng thực thi REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng) tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đây cũng là thành quả của sự hợp tác giữa Việt Nam với FCPF và WB trong việc cùng nỗ lực thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung mới, góp phần đầu tư cho các hoạt động giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập cho chủ rừng; đồng thời hướng tới hình thành thị trường tín chỉ giảm phát thải trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Việt Nam sẽ thực hiện được cam kết này. Việt Nam mong muốn WB hỗ trợ trong việc tổ chức đánh giá, lượng hóa mà kết quả Việt Nam đã thực hiện trong năm 2018, 2019 để có thể sớm chi trả lần thứ 1 của thỏa thuận này. Tổng cục Lâm nghiệp sẽ là đầu mối triển khai các nội dung của ERPA, đồng thời xây dựng cơ chế thu chi đảm bảo quyền lợi của những người bảo vệ và phát triển rừng.
Theo ERPA, thời điểm tính kết quả lượng giảm phát thải được tính từ 1/2/2018 (thời điểm Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ được Quỹ FCPF thông qua) đến 31/12/2024, được chia thành 3 kỳ báo cáo.
Cụ thể, kỳ báo cáo thứ nhất từ 01/02/2018-31/12/2019 với lượng giảm phát thải tối thiểu 3 triệu tín chỉ giảm phát thải; kỳ báo cáo thứ hai từ 01/01/2020 – 31/12/2022 với 4 triệu tín chỉ giảm phát thải; kỳ báo cáo thứ ba từ 01/01/2023 – 31/12/2024 với 3,3 triệu tín chỉ giảm phát thải.
Sau mỗi kỳ báo cáo, WB thực hiện thẩm định/xác minh kết quả và thanh toán/chi trả kết quả giảm phát thải. Cụ thể, năm 2021 là 15 triệu USD, tương ứng với 3 triệu tấn CO2; năm 2023 là 20 triệu USD, tương ứng với 4 triệu tấn CO2 và năm 2025 là 16,5 triệu USD, tương ứng với 3,3 triệu tấn CO2.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên toàn cầu ký ERPA. Các Thỏa thuận chi trả giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu.
Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho FCPF để chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng đã lên tới 1,3 tỷ USD.
Để chuẩn bị và ký kết ERPA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực với quá trình chuẩn bị lâu dài. Việc chuẩn bị có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và WB từ việc xây dựng, trình FCPF phê duyệt Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, ký Ý định thư (LoI) về việc tham gia chương trình về tiềm năng mua giảm phát thải từ quản lý rừng bền vững trong khuôn khổ Quỹ FCPF.