Thực trạng và những vấn đề cấp bách trong bảo tồn biển

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, xu hướng tiến ra biển, làm giàu từ biển và khai thác các nguồn tài nguyên từ biển đang ngày càng tăng.

Đồng thời, tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phá hủy đa dạng sinh học, cạn kiện tài nguyên biển cũng dần trở nên đáng báo động, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Bởi vậy, công tác bảo tồn biển, gìn giữ đa dạng sinh học biển, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển trở nên cấp bách.

Để làm rõ thực trạng công tác bảo tồn biển ở Việt Nam hiện nay, phóng viên TTXVN giới thiệu loạt 2 bài viết về “Bảo tồn biển Việt Nam.”

Bài 1: Thực trạng và những vấn đề cấp bách trong bảo tồn biển

Để bảo đảm tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên, các khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu.

Kinh tế biển xanh được xác định là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; trong đó mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, kinh tế biển xanh được xác định là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; trong đó mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh.

Các khu bảo tồn biển ở Việt Nam

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết biển, vùng ven biển và các hệ sinh thái biển cung cấp tài nguyên cho sự phát triển kinh tế biển.

Vịnh Lan Hạ, Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN)

Nhưng các hệ sinh thái biển và các tài nguyên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như ô nhiễm môi trường, khai thác đánh bắt cá quá mức, đa dạng sinh học biển bị đe dọa…

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ưu tiên và chú trọng hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển và xem nó như một trong những giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển đất nước trong tương lai.

Việc duy trì được tính đa dạng hệ sinh thái và các loài sinh vật biển chính là bảo toàn “nguồn vốn tự nhiên,” tạo ra sự phát triển ổn định cho kinh tế biển Việt Nam.

Vì vậy, bảo tồn biển và phát triển kinh tế là hai mặt của một vấn đề trong việc phát triển bền vững hướng tới hình thành nền kinh tế biển xanh.

Năm 1995, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học quốc gia, trong đó đề cập đến bảo tồn biển và vùng ven biển. Theo đó, trong các năm 1998-1999, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước đây đã phối hợp với Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia nghiên cứu xây dựng quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam.

Trải qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung quy chế quản lý, đến ngày 26/5/2010, tại Quyết định 742/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với danh mục 16 khu bảo tồn biển.

Khu vực nuôi ngọc trai tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Đến nay, cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 Khu bảo tồn biển tại Việt Nam gồm Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc.

Sáu Khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.

Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam.

Các khu bảo tồn biển sở hữu gần 70.000ha rạn san hô, 20.000ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp.

Tất cả 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam tập trung ở vùng biển ven bờ, xa nhất là khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Nhiều khu bảo tồn biển bị xâm hại

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi cho biết đến năm 2018, khoảng 10 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển trong quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành lập Ban Quản lý.

Trong số đó, 3 khu là Cát Bà, Côn Đảo, Núi Chúa được quản lý theo tinh thần của một Vườn quốc gia. Về mặt hành chính, các khu bảo tồn biển đang được nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau quản lý.

Hiện có hai khu bảo tồn biển trực thuộc sự quản lý của Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc thành phố (Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang); 3 khu bảo tồn biển trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Hòn Cau, Phú Quốc, Cồn Cỏ); 5 khu là Vườn quốc gia có vùng biển đi kèm trực thuộc Ủy ban Nhân dântỉnh (Núi Chúa, Côn Đảo, Lý Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ).

San hô ở vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Mặc dù các cơ quan chủ quản đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, nhưng các vi phạm làm tổn thương các giá trị và chức năng của khu bảo tồn biển trong những năm gần đây vẫn ở mức phức tạp, chủ yếu là do các phương thức và ngư cụ khai thác mới mang tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản.

Đặc biệt, các hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn biển tăng nhanh trong những năm gần đây đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sự đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó là những điểm sáng tại một số khu bảo tồn biển nhờ vào các hoạt động cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư như Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Vườn quốc gia Núi Chúa.

Đặc biệt, ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trên cơ sở áp dụng phương thức đồng quản lý dựa vào cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên, xử lý rác thải nhựa mà lĩnh vực du lịch sinh thái đã bước đầu tạo ra thu nhập bắt nguồn từ việc bảo tồn.

Người dân được cải thiện sinh kế nên đã chủ động hơn trong việc tham gia quản lý khu bảo tồn biển, ủng hộ Ban quản lý trong việc thực hiện kế hoạch quản lý, góp phần giảm sức ép khai thác tài nguyên, nguồn lợi trong khu bảo tồn biển.

Các hệ sinh thái biển và các tài nguyên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như ô nhiễm môi trường, khai thác đánh bắt cá quá mức, đa dạng sinh học biển bị đe dọa

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi đánh giá các hoạt động phát triển ở vùng ven biển hết sức sôi động, đa dạng; đôi nơi, đôi lúc có biểu hiện phát triển “nóng,” ưu tiên cho sự phát triển hơn là bảo tồn.

Bên cạnh những lợi ích thu được trong ngắn hạn, các hoạt động phát triển gần đây đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đến số phận của các khu bảo tồn biển. Đó là các hoạt động lấn biển, nhận chìm chất thải, xả thải rác, nước bẩn từ các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị ven biển; việc đánh bắt cá bất hợp pháp, chuyển đổi mục đích sử dụng một số đảo, khu vực biển trong phạm vi vùng đệm của các khu bảo tồn biển diễn ra trên phạm vi rộng và ở quy mô lớn chưa từng xảy ra trước đây.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Đặc biệt, ô nhiễm rác thải nhựa, túi nylon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nylon vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, lắng đọng và quấn bám vào các rạn san hô ở các khu bảo tồn biển.

Bên cạnh đó, chất lượng các rạn san hô của Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng xấu, ở trạng thái không tốt; đồng thời, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biến đổi đại dương là những thách thức dài hạn đối với các khu bảo tồn biển.

Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các mối đe dọa chính trong những năm qua mà môi trường biển đang phải đối mặt ở mức rất phổ biến và đang ở cấp độ báo động cao là ô nhiễm nguồn gốc từ lục địa và từ biển; phá hủy nơi cư trú tự nhiên; khai thác và đánh bắt cá quá mức; tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ước tính của các nhà khoa học, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương. Nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn nên đã nuốt vào bụng hoặc chúng bị mắc kẹt giữa các ngư cụ và tử vong.

Dọc bờ kè thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, luôn ngập rác thải sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam, đặc biệt là vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc và dọc dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Ô nhiễm hữu cơ tuy chỉ có tính cục bộ nhưng khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, đông dân trải dài từ Bắc vào Nam, như Cửa Lục, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu…

Nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường cho thấy, tài nguyên biển ở nước ta hiện nay đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững; nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày càng gia tăng ở nhiều nơi.

Theo ước tính, trên toàn vùng biển Việt Nam từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang khoảng 40-60% cỏ biển, 70% rừng ngập mặn đã biến mất và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi.

Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% rạn san hô; 48% rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống thuộc quần đảo Trường Sa.

Việc quan tâm chưa đầy đủ đến công tác bảo tồn biển và sự đa dạng sinh học biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đặt ra.

Đoàn viên, thanh niên thành phố Quy Nhơn dọn rác, làm sạch bờ biển xã Nhơn Lý. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Bài 2: Giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển

Nguồn: