Theo một nghiên cứu được công bố mới đây của Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (World Animal Protection) và tổ chức Blood Lions, các trang trại sư tử tại Nam Phi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe đối với cộng đồng và hàng ngàn cá thể sư tử đang bị nuôi nhốt tại đây.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét gần 150 nghiên cứu khoa học về các bệnh liên quan đến sư tử châu Phi. Thống kê cho thấy có 63 mầm bệnh (bao gồm vi khuẩn, ký sinh trùng và virus) ảnh hưởng tới sư tử mà một vài trong số đó có thể lây truyền từ sư tử sang loài động vật khác hay sang người. Nghiên cứu cũng chỉ ra 83 bệnh và triệu chứng lâm sàng liên quan đến những mầm bệnh này tiềm ẩn nguy hiểm với các loài động vật khác và con người.
Các cá thể sư tử bị nuôi nhốt có thể mang trong mình các mầm bệnh lây bệnh cho con người, bao gồm Sars-CoV-2, loại virus đang gây ra đại dịch Covid-19. Tại Nam Phi, hơn 8.000 cá thể sư tử đang nuôi sinh sản tại các trang trại để phục vụ mục đích các mục đích thương mại như du lịch, săn bắn và xuất khẩu xương sư tử sang các quốc gia châu Á.
Nghiên cứu này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại về khả năng chính phủ Nam Phi sẽ công bố hạn ngạch (quota) xuất khẩu xương sư tử mới. Nam Phi là quốc gia cho phép xuất khẩu hợp pháp xương sư tử hàng năm đến khu vực châu Á vì mục đích thương mại. Con số này đã tăng lên đáng kể từ 800 bộ xương (năm 2017) lên tới 1.500 bộ xương (năm 2018). Những bộ xương sư tử này sau đó thường được sử dụng phục vụ cho nhu cầu bào chế các phương thuốc cổ truyền từ động vật hoang dã (ĐVHD), mặc dù chưa hề có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh lợi ích của chúng.
Theo Tiến sĩ Louise de Waal – Quản lý chiến dịch của Blood Lions, nghiên cứu này cho thấy ngành công nghiệp nuôi sinh sản sư tử châu Phi là một nguy cơ lớn, có thể gây hại đến sức khỏe của công nhân tại trang trại hay du khách. “Chúng tôi hy vọng Ban Tham vấn sẽ cân nhắc nghiên cứu của chúng tôi để có những khuyến nghị phù hợp đến Bộ trưởng Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi vào cuối năm nay xung quanh việc quản lý, gây nuôi sinh sản, săn bắn, buôn bán sư tử. Hiện tại hoạt động du lịch đang dần mở cửa trở lại, chúng tôi hi vọng Nam Phi sẽ là một điểm đến có trách nhiệm, đáng tin cậy và lành mạnh cho du khách”, Tiến sĩ Louise de Waal nhấn mạnh.
Ông Gilbert Sape – Trưởng phòng Chiến dịch Toàn cầu về Y học Cổ truyền của Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới, cho biết: “Sư tử phải chịu đựng cuộc sống tồi tệ trong những trang trại này và chính điều kiện nuôi nhốt không đảm bảo đang làm tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh từ động vật sang người. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này có thể giúp mọi người hiểu được những rủi ro về sức khỏe liên quan đến các trang trại sư tử cũng như góp phần cảnh báo cơ quan chức năng về những nguy cơ tiềm ẩn đối với động vật và sức khỏe con người. Để tránh tái diễn đại dịch khác, chúng ta cần phải ngừng buôn bán động vật hoang dã”.
Việt Nam là một trong số các quốc gia nhập khẩu xương sư tử từ Nam Phi. Tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới và tổ chức Blood Lions đang kêu gọi chính phủ Việt Nam đưa xương sư tử vào danh sách cấm nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký ban hành Chỉ thị trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu ĐVHD trước những lo ngại về các bệnh dịch có nguồn gốc từ động vật.
Covid-19 là đại dịch mới nhất được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người trong 30 năm qua như HIV/AIDS, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, SARS (2002-2003), MERS (2012), Ebola (2014) đều có nguồn gốc từ động vật. Khi cả thế giới đang đấu tranh để đối phó với đại dịch toàn cầu Covid-19 – nhiều khả năng có nguồn gốc từ động vật hoang dã, thì rõ ràng rằng điều quan trọng hơn bao giờ hết chính là nhận thức được các nguy cơ tới sức khỏe cộng đồng do tiếp xúc với động vật hoang dã và giảm thiểu rủi ro khi còn có thể.