Biến đổi khí hậu lẫn sự phát triển không ngừng của xã hội đang đặt cả châu Á vào thế bị động trước hàng loạt cảnh báo về tình trạng bão lũ cực đoan từ đây đến tương lai gần.
Năm 2020, châu Á nói chung phải đối mặt nhiều thách thức không chỉ đến từ bối cảnh chính trị thế giới nhiều biến động lớn mà còn từ hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu trên diện rộng. Hàng loạt thông tin lũ lụt ở nhiều nước làm các chính phủ khu vực phải đau đầu nhanh chóng vạch ra chính sách giải quyết. Việc này kéo căng các khoản chi ngân sách vốn đã dùng cho nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 nhiều tháng qua.
Tình hình khu vực nguy cấp
Tờ The Nikkei dẫn báo cáo đầu tháng 10 của Công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm đa quốc gia Aon (Anh) tóm tắt tình hình bão lũ ở châu Á với lời nhận xét: Lượng thiên tai, lũ lụt ở khu vực này trong năm 2020 tăng cao bất thường xét trong giai đoạn 10 năm trở lại đây.
Ở Trung Quốc, giữa năm nay, gần 3 triệu người phải sơ tán khỏi các vùng bị ngập lụt dọc các con sông lớn và ước tính 63 triệu người chịu ảnh hưởng (thiệt hại về tài sản, sức khỏe và nhân mạng) vì lũ. Hơn 50 con sông đã chạm hoặc gần chạm mực nước cao kỷ lục trong khi nhiều con đập trên lưu vực sông Trường Giang không còn đủ sức chứa nước, gây ra đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở miền Nam nước này kể từ năm 1961 trong tháng 7 và tháng 8.
Tại Nam Á, ước tính khoảng 17 triệu dân sống ở các địa phương có rủi ro xuất hiện bão lũ cao tại các quốc gia như Pakistan, Nepal hay Kalimantan. Riêng tại Bangladesh, số người chết trong lũ lụt trong năm nay đã lên tới 257 người. Trong đợt lụt hồi tháng 7, 1/3 diện tích Bangladesh chìm trong biển nước.
Miền Trung Việt Nam hiện cũng đang gấp rút khắc phục ảnh hưởng sau khi bão Linfa đổ bộ hôm 11-10. Mặc cho những nỗ lực rất lớn từ phía nhân dân và Chính phủ, báo cáo ngày 20-10 từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết lũ đã xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính tại đây, khiến 133 người thiệt mạng và mất tích. Hiện hơn 200.000 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp khỏi khu vực cư trú.
Chuyên gia nói gì?
Nhìn chung, tình hình nói trên là minh chứng rõ ràng nhất cho những dự báo mà giới chuyên gia đưa ra từ rất lâu về số phận của châu Á trước những thay đổi không ngừng của các yếu tố ngoại vi. Trả lời The Nikkei, chuyên gia Homero Paltan Lopez chuyên về môi trường địa lý thuộc ĐH Oxford (Anh), cảnh báo: “Hầu như mọi mô hình dự báo đều đưa ra chung một kết quả là biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến tình trạng lũ lụt nhiều hơn và những mùa mưa cực đoan hơn”.
Giải thích thêm, ông cho biết biến đổi khí hậu sẽ là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến lưu lượng gió mùa trong khu vực, khiến mùa mưa và mùa khô đều kéo dài thêm, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế nghiêm trọng hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Đáng chú ý, dù xác suất mưa cực đoan tăng lên nhưng không đồng nghĩa với việc năm nào cũng lũ lụt, mà các dòng chảy còn có thể thay đổi ngẫu nhiên khó lường làm công tác phòng bị cực kỳ khó khăn.
Tới năm 2050, 75% lượng vốn toàn cầu bị lũ lụt đe dọa nằm ở châu Á. Tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng lãnh thổ ven biển Đông Nam Á sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất.
TS RUSLAN FAKHRUTDINOV, Công ty tư vấn rủi ro McKinsey (Mỹ) |
Lưu ý vấn đề kinh tế và di dân
Đối với chính phủ các nước châu Á cũng như các khu vực khác, việc giảm thải khí nhà kính được cho là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tác động lâu dài của biến đổi khí hậu. Châu Á chiếm phần lớn tổng lượng khí thải carbon toàn cầu và tỉ lệ này sẽ còn gia tăng trong tương lai, tương ứng với tỉ lệ tham gia của khu vực này trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc giảm khí thải về ngắn hạn và trung hạn ít có tác động lên tình trạng bão lũ, vì lượng mưa lớn và nước biển dâng (hai yếu tố dẫn đến lũ lụt) xảy ra do lượng khí thải tích tụ trong quá khứ chứ không phải hiện tại. Do đó, các chính phủ được khuyến khích nên lưu tâm đến các yếu tố phi khí hậu như di dân và phát triển kế hoạch kinh tế.
Về yếu tố di dân, chuyên gia kinh tế Abhas Jha thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra là mỗi tuần có khoảng 1 triệu người chuyển đến các khu vực thành thị trên khắp châu Á. Số dân tăng lên tập trung vào một địa điểm trong khi cơ sở hạ tầng không kịp phát triển để thích ứng khiến những nơi này có nguy cơ cao bị lũ lụt, gây thiệt hại kinh tế lớn hơn. Theo ông, việc “hàng loạt thành phố châu Á với số dân sống dọc bờ biển hoặc ven sông ngày càng tăng đồng nghĩa với số lượng người ở các khu vực dễ bị lũ lụt cũng tăng lên”.
Thống kê từ các nguồn độc lập khác cũng phác họa bức tranh tương tự. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications năm ngoái ước tính đến năm 2050, số người sống tại những nơi hứng lũ do biến đổi khí hậu sẽ là 300 triệu, với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.
Về yếu tố phát triển kinh tế, việc tàn phá rừng ngập mặn ven biển để nuôi trồng thủy sản tạo ra những thay đổi tiêu cực đối với môi trường. Rừng ngập mặn lâu nay là lá chắn tự nhiên giúp hạn chế giảm nước biển dâng do bão và nước biển xâm nhập đất liền. Mất các vùng đất ngập nước và các bể chứa nước tự nhiên có nghĩa là nhiều thành phố châu Á dễ bị ngập lụt hơn ngay cả khi không tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Cần giải pháp cấp bách
Theo The Nikkei, câu hỏi hiện nay là sau những gì phải trải qua vào năm 2020, các nước châu Á sắp tới phải làm thế nào để tránh được đợt thảm họa tiếp theo. Chuyên gia Abhas Jha đề xuất triển khai trên diện rộng cái gọi là “cơ sở hạ tầng xanh”. Đây là thuật ngữ chỉ việc chuyển đổi các công trình đập, kênh và công trình trị thủy quy mô lớn khác, còn gọi là “cơ sở hạ tầng xám”, sang thành “cơ sở hạ tầng xanh”. Cụ thể, nên tập trung cải thiện khả năng chứa nước của các thành phố, cân bằng giữ cảnh quan xanh, đồng thời khôi phục những hệ thống sinh thái tự nhiên như đồng bằng ngập nước, đầm lầy và rừng ngập mặn. “Vấn đề thường nằm ở chỗ ngay cả khi các thành phố cố gắng xử lý lũ lụt thì vẫn quá chú trọng vào cơ sở hạ tầng xám. Đó là một phần của giải pháp nhưng không phải tất cả. Chúng ta phải cân bằng giữa cơ sở hạ tầng xanh và xám, hoặc thiết kế đô thị sao cho hợp lý” – chuyên gia Abhas Jha giải thích. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và xám tại châu Á từ nay đến năm 2030 vào khoảng 800 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu không hành động thì mức thiệt hại sẽ còn cao hơn con số này. Chỉ riêng lũ lụt ở Trung Quốc đã gây thiệt hại 25 tỉ USD trong năm nay. Nhiều quốc gia cũng đang mở rộng ngân sách cho vấn đề môi trường. Đơn cử, Hàn Quốc hồi tháng 7 công bố kế hoạch “Thỏa thuận Xanh Mới” đến năm 2025 trị giá 63 tỉ USD với các mục tiêu giảm khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và tăng đầu tư vào những công trình tiết kiệm năng lượng. |