Cử tri kiến nghị thành phố Đà Nẵng kiến nghị cần tăng cường giám sát về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các con sông nói chung và với các con sông thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Theo nội dung kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng vừa được Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa phần các con sông khu vực miền Trung-Tây Nguyên đều không bắt nguồn từ bên ngoài, chủ yếu là do “tác động của người dân chúng ta,” vì thế cần tăng cường giám sát về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các con sông nói chung và với các con sông thuộc khu vực này.
Cùng với đó, cử tri đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm giám sát chỉ tiêu cụ thể hằng năm về độ che phủ của rừng; hệ thống xử lý nước thải đối với các khu đô thị, khu công nghiệp-dịch vụ ven sông; việc thực hiện các chế tài và việc xử phạt khi xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận trong giai đoạn 2016 – 2019, chất lượng nước tại các dòng sông lớn và các điểm nóng về ô nhiễm môi trường lưu vực sông có xu hướng cải thiện dần theo từng năm. Tuy nhiên, do áp lực của phát triển kinh tế-xã hội, các nguồn xả thải vào các lưu vực sông lớn ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại khu vực trọng điểm, đô thị lớn.
Vì thế, để tăng cường kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường các dòng sông lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước và hệ thống chính sách có liên quan về quản lý các nguồn thải và chất lượng môi trường nước bảo đảm tính thống nhất, đặc biệt quan trọng là sửa đổi, trình Quốc hội ban hành dự án Luật Bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần xây dựng nhóm chính sách, công cụ để tính toán được sức chịu tải của môi trường nước sông làm căn cứ cấp phép xả vào nguồn nước theo khả năng chịu tải; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường trong thu hút đầu tư; xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương rà soát các quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường lưu vực sông, đảm bảo không có sự chồng chéo, mâu thuẫn; quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, đặc biệt là chương trình phối hợp kiểm soát ô nhiễm nước sông liên tỉnh vào mùa khô; các hoạt động gây ô nhiễm tại các điểm có nguy cơ ô nhiễm cao như khu vực nuôi trồng thủy sản, khu tiếp nhận nhiều nguồn thải, bến thủy nội địa trên sông…
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ điều tra, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, tập trung vào các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường. Từng bước quản lý các nguồn gây ô nhiễm nhỏ lẻ, phân tán, các nguồn thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nước mưa chảy tràn qua các khu vực ô nhiễm…