Trung Quốc chưa thoát khỏi “cơn say” đập lớn

Sông Dương Tử chảy từ Cao nguyên Himalaya ở Tây Tạng xuống tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc, tạo nên một con đường xuyên qua một cảnh quan ngoạn mục với những rặng núi dốc đứng phủ đầy thông Vân Nam. Gần dòng sông và con đường ven sông, lá cây dương và bạch dương lung linh trong gió. Những khóm đỗ quyên hồng tạo thành hàng rào tự nhiên dọc theo các ruộng bậc thang trồng ngô, thuốc lá và các loại cây trồng khác tươi tốt trên vùng đất màu mỡ do lũ lụt hàng nghìn năm tạo ra.

Sông Dương Tử chảy qua Hổ Khiêu Hiệp ở tỉnh Vân Nam. (Ảnh: Scott Wallace/Getty)

Nhưng khu vực đã từng hoang dã này đang ngày càng bị thuần hóa, ngày nay vang vọng âm thanh máy móc hạng nặng cũng như tiếng dòng sông chảy xiết. Một trụ bê tông và thép phục vụ tuyến đường sắt cao tốc từ Lệ Giang đến vùng đồng cỏ núi Shangri-La cắt ngang qua các sườn núi dựng đứng bao quanh thung lũng. Phía dưới một nghìn mét, một đường cao tốc đang được xây dựng qua những khu rừng rậm này để đưa khách du lịch đến Shangri-la và xa hơn nữa. Phía xa dưới đáy thung lũng, các đường hầm đang được đào xuyên qua núi và những đường rãnh được thi công để làm đường ống chuyển dòng nước giàu trầm tích của dòng sông đến huyện Hồng Hà ngay phía nam thủ phủ Côn Minh khát nước.

Chính nơi đây, giữa nơi sông Dương Tử uốn khúc đột ngột ở Thạch Cổ trấn và gầm gào chảy qua di sản thế giới Hổ Khiêu Hiệp cách đó 30 dặm về phía bắc là một dự án gây tranh cãi bị tuyên bố đã chết cách đây một thập kỷ thì nay lại tái sinh. Sự tái sinh của dự án thủy điện lớn này cho thấy Trung Quốc chế ngự đến mức nào phong trào môi trường mạnh mẽ một thời.

15 năm trước, cộng đồng địa phương cùng giới hoạt động môi trường chặn đứng con đập Hổ Khiêu Hiệp vì nó có thể gây ngập các ngôi làng dọc theo hơn 300 km sông Dương Tử tính từ thượng nguồn. Chiến dịch trì hoãn con đập là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất trong phong trào môi trường mới nổi của Trung Quốc, bảo tồn đa dạng sinh học trong thung lũng và ngăn chặn việc di dời hơn 100.000 người, bao gồm nhiều dân tộc thiểu số Nạp Tây và Tây Tạng. Bộ phim tài liệu “Đánh thức rồng xanh” theo chân các nhà vận động đấu tranh chống lại dự án Hổ Khiêu Hiệp thể hiện sự phấn khởi của họ khi nghe tin Thủ tướng Ôn Gia Bảo đích thân can thiệp để chặn con đập. Các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin dày đặc, một số tờ thậm chí còn được chính phủ trung ương khuyến khích.

Chiến thắng khơi mào cho sự thức tỉnh về môi trường rộng lớn ở Trung Quốc dường như đã quá xa xôi. Hôm nay, một phiên bản thu nhỏ của dự án thủy điện (được đổi tên thành Long Bàn – tên thị trấn gần nơi dự kiến xây dựng) một lần nữa trở lại. Mặc dù chính quyền trung ương chưa phê duyệt nhưng dự án đã xuất hiện trong các tài liệu quy hoạch lớn và giới hoạt động môi trường cho rằng đây có thể là một trong nhiều sáng kiến cơ sở hạ tầng lớn đang được thực hiện ở miền tây Trung Quốc, một phần vì hồ chứa Long Bàn có thể cung cấp cho dự án chuyển nước đã được xây dựng trong khu vực. Ngoài ra, một con đập ở Long Bàn sẽ giảm lũ lụt ở hạ nguồn – điều luôn là cân nhắc quan trọng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau một mùa hè lũ lụt kinh hoàng ở sông Dương Tử.

Đập Long Bàn tái xuất hiện lặng lẽ và không làm bùng lên sự phản đối như cách đây một thập kỷ rưỡi. Không có lãnh đạo địa phương nào đứng lên ngăn cản dự án. Không có đoàn làm phim, nhà báo Trung Quốc hoặc nước ngoài, hoặc các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế kêu gọi chú ý đến mối đe dọa của con đập đối với dân cư địa phương và đa dạng sinh học.

Sự im lặng đó diễn ra trong bối cảnh máy khoan, máy đào và cần cẩu ồn ã bận rộn xây dựng các dự án đường sắt, đường cao tốc và chuyển nước dưới thung lũng nói lên nhiều điều về cuộc thảo luận xung quanh các tác động sinh thái và xã hội đối với sự phát triển của Trung Quốc. Với lời hứa tạo ra “nền văn minh sinh thái”, Trung Quốc có thể khẳng định lại quyền kiểm soát câu chuyện môi trường.

Một mặt, chính quyền trung ương áp “lằn ranh đỏ” cho nơi không được pháp thực hiện các dự án phát triển, ví dụ như núi Tần Lĩnh gần Tây An – nơi hàng trăm biệt thự triệu đô bị dỡ bỏ vào năm 2018 sau khi xây dựng trái phép trong một khu bảo tồn. Mặt khác, Trung Quốc làm suy yếu khả năng của các phong trào cơ sở trong việc chống lại các dự án gây tổn hại đến môi trường.

Nếu được xây dựng, đập Long Bàn có thể chỉ bằng 1/2 quy mô ban đầu, các nhà môi trường giấu tên cho hay.

Dù thế, con đập vẫn sẽ tác động lớn đến các quần thể thủy sinh vốn đã suy giảm vì 10 con đập khác trên sông Dương Tử, cũng như do nạo vét, ô nhiễm và đánh bắt quá mức. Đến năm 2019, bốn con đập khác cũng đang được xây dựng và ít nhất 15 con đập nữa – bao gồm cả dự án Long Bàn – đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Lệnh cấm đánh bắt cá thương mại 10 năm trên sông Dương Tử đưa ra vào đầu năm 2020 do tình hình đã rất nghiêm trọng.

Đường sắt cao tốc xây dựng gần Hổ Khiêu Hiệp. (Ảnh: Jonathan Zhong)

Các đập hiện có thay đổi đáng kể dòng chảy tự nhiên của sông Dương Tử và cản trở sự di cư và sinh sản của nhiều loài. Bãi đẻ của cá bám đá Trung Quốc (loài đặc hữu sông Dương Tử sống trong môi trường cần nước chảy xiết và đáy sông nhiều sỏi) bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc xây dựng dự án thủy điện Lê Viên ở dưới Hổ Khiêu Hiệp.

Theo các nghiên cứu trước đây, ba bãi đẻ trứng khác đã được phát hiện ở khu vực phía sau đập Long Bàn được đề xuất, trong đó có một bãi ở ngay tại Long Bàn. Các con đập dọc sông Dương Tử cũng gây ra hiện tượng bồi lắng và phú dưỡng trong các hồ chứa. Hệ thống đường dây truyền tải điện, đường sá, và các cơ sở hạ tầng khác liên quan đến các con đập sẽ chia cắt và làm suy thoái sinh cảnh trên cạn trong các thung lũng.

Bất chấp những tác động tích lũy này, Long Bàn gần đây có tên trong danh sách của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về các dự án “công nghiệp xanh” được phê duyệt và cho phép xây dựng. “Nếu chính quyền trung ương quyết định đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để tái thiết nền kinh tế, dự án này sẽ là lựa chọn hàng đầu cho Vân Nam”, một nhà bảo tồn nổi tiếng cho biết.

Đối với đập Long Bàn, có rất ít thảo luận công khai về việc khi nào dự án sẽ bắt đầu hoặc chính xác là xây dựng ở đâu. Không ai gọi là đập Hổ Khiêu Hiệp nữa và thậm chí việc đề cập đến đập Long Bàn trên các phương tiện truyền thông nói chung cũng bị hạn chế. “Vẫn còn những dân làng muốn đấu tranh nhưng họ thiếu khả năng lãnh đạo và không ai muốn trở thành lãnh đạo”, một cựu lãnh đạo NGO nổi tiếng của Trung Quốc nói.

Một nhà bảo tồn điều hành một tổ chức NGO của Trung Quốc bị đóng cửa gần đây cho biết con đập sẽ gây lụt cho các ngôi làng suốt hơn 100 km tính từ thượng nguồn. Một nhà hoạt động đề nghị giấu tên sống ở Tấn Giang trấn (nơi có khả năng bị ngập lụt) cho rằng dự án thủy điện sẽ được tiến hành vì sức mạnh kinh tế và chính trị sẽ nhấn chìm sự phản đối rải rác từ dân làng và các nhà hoạt động môi trường. “Rất nhiều công ty và nhóm lợi ích có nguồn lực cần thiết và được ủng hộ từ nhiều bên. Các NGO môi trường và giới hoạt động cộng đồng tỏ ra bất lực khi đối mặt với những nhóm lợi ích này”.

Tiếng nói từng rất mạnh mẽ từ lớp trẻ phản đối các đập thủy điện và các dự án khác cũng đã bị xói mòn. “Quan điểm đang thay đổi trong thế hệ trẻ. Hầu hết những người trẻ tuổi quan tâm đến đập [Long Bàn] nhưng họ không gắn bó với đất đai như chúng tôi, vì hầu hết họ hiện làm việc ở các thành phố xa xôi. Và những người phản đối dự án lại lớn tuổi và đang ngày càng ít đi”, nhà hoạt động chua chát.

Cải cách tỉnh Vân Nam bằng các dự án cơ sở hạ tầng lớn là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xóa đói giảm nghèo và thiết lập các cơ sở năng lượng lớn ở miền Tây đất nước. Nỗ lực này hướng tới kết hợp thủy điện với các dự án năng lượng mặt trời và gió để hạn chế tình trạng phát điện ngắt quãng. Các dự án khác bao gồm bơm tích trữ nước để cung cấp năng lượng cho các tuabin thủy điện và chuyển nước đến các khu vực cần thiết.

Ví dụ, dự án chuyển nước Điền Trung với hơn 600 km đường ống (chủ yếu là đào hầm qua núi) sẽ sử dụng một loạt các trạm bơm để chuyển hướng nước từ Thạch Cổ xuôi nam đến Đại Lý và cuối cùng kết thúc ở gần Côn Minh. Dự án đó hiện đang được xây dựng và sau khi hoàn thành sẽ cần một hồ chứa ở độ cao nhất định để duy trì dòng nước chảy trong hệ thống. Đó có thể sẽ là cơ sở quan trọng cho đập Long Bàn.

Dấu hiệu gần đây nhất cho thấy những người lập kế hoạch chuẩn bị xây dựng Long Bàn là việc đầu năm nay China Yangtze Power (công ty con của công ty điều hành đập Tam Hiệp) mua lại 23% cổ phần công ty sở hữu quyền xây dựng con đập này.

Xa hơn về phía bắc từ địa điểm tiềm năng xây đập Long Bàn, hai con đập khác đang trong giai đoạn phê duyệt – đập Húc Long đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường và đập Bôn Tử Lan (gần Shangri-La) có thể sắp được phê duyệt. Cùng với Long Bàn, những con đập này có thể tạo thành một chuỗi đập ở đoạn sông Dương Tử đó để điều tiết nước và chuyển nước đến Đại Lý và Côn Minh.

Thạch Cổ trấn tọa lạc ngay gần đập Long Bàn trên sông Dương Tử. (Ảnh: Micheal Standaert)

Tất cả các dự án này đều chạy gần với các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và vùng đệm.

Những chỉ định này nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của di sản thế giới Tam Giang Tịnh Lưu – gồm các nhánh thượng nguồn sông Dương Tử, sông Nộ [Salween], và sông Lan Thương [Mê Kông] – bao trùm một khu vực rộng hơn VQG Yellowstone. Tuy nhiên, trên thực tế ranh giới của các khu bảo tồn (được tạo ra từ năm 2003) chỉ dành cho đỉnh núi cao phía trên các con sông chứ không phải là sinh cảnh trong thung lũng, khiến các tuyến đường thủy và cộng đồng dọc theo bờ chịu ảnh hưởng từ các dự án phát triển. Năm ngoái, UNESCO cảnh báo về “những thay đổi lớn trong hệ thủy sinh” nếu xây dựng nhiều dự án thủy điện dọc theo các con sông.

Điều này sẽ phản ánh không tốt về những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Trung Quốc nên khó có khả năng chính phủ sẽ công bố bất cứ điều gì liên quan đến việc xây dựng Long Bàn trước Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, dự kiến tổ chức tại Côn Minh vào tháng 10/2020 nhưng được hoãn lại đến tháng 5/202.

Trong khi thủy điện ở Tây Nam Trung Quốc thường bị lãng phí, giới chức chính phủ hy vọng rằng với sự kết nối tốt hơn giữa các lưới điện, lượng điện dư thừa sẽ được truyền tải đến các khu vực đông dân hơn ở phía đông Trung Quốc, cũng như Đông Nam Á. Vì vậy, mặc dù các đập Long Bàn, Húc Long và Bôn Tử Lan có thể không cần thiết vào lúc này, nhưng Trung Quốc tin rằng sẽ khả thi trong tương lai gần. Tuy nhiên, các chuyên gia không tán đồng vì với đà tăng của năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở Trung Quốc, việc sử dụng thủy điện của nước này chắc chắn sẽ ít dần đi.

Chuyên gia tư vấn phát triển về các vấn đề môi trường ở Tây Tạng thuộc Tây Nam Trung Quốc Gabriel Lafitte cho biết: “Có vẻ đây sẽ ngày là những con đập cuối cùng, khi Trung Quốc nhãng dần khỏi cơn say thủy điện đã kéo dà hàng thập kỷ nay”.

Tầm nhìn đó không an ủi được những dân làng lớn tuổi sống dọc theo thượng nguồn Dương Tử – những người cuối cùng có thể phải di dời.

Tính toán gần đây nhất cho mức tối đa bồi thường cho đất bị ngập và tái định cư sẽ là 200.000 nhân dân tệ/người – tương đương gần 30.000 USD. Các tính toán trước đó một thập kỷ trước chỉ là 40.000 nhân dân tệ cho mỗi hộ gia đình – tương đương khoảng 6000 USD. Những khoản tiền này có thể chia rẽ các gia đình vì rất hấp dẫn với giới trẻ – nhiều người đi làm ở đô thị.

Một nhà hoạt động cho biết: “Số tiền đó sẽ không mua được trái tim của những dân làng [lớn tuổi], vì lạm phát và sự gắn bó của chúng tôi với đất đai”.

Nhật Anh (Theo Yale 360 Environment)

Nguồn: