Cử tri Bến Tre kiến nghị cần có quy định yêu cầu các công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân chịu ảnh hưởng khi xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường,…
Theo nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre vừa được Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này cần kiên định nguyên tắc “Ai gây ra ô nhiễm môi trường, người đó phải chịu trách nhiệm xử lý ô nhiễm” và có giải pháp thay đổi về nhận thức, hành vi của toàn xã hội.
Đặc biệt, cử tri kiến nghị cần có cơ chế mua bảo hiểm trách nhiệm môi trường bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, luật cũng cần có quy định yêu cầu các công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân chịu ảnh hưởng khi xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, do doanh nghiệp mua bảo hiểm trách nhiệm môi trường gây ra.
Theo ý kiến của cử tri, Việt Nam đã tiếp cận với loại hình bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường từ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và tiếp tục được quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm hoạt động dầu khí, sản xuất kinh doanh hoá chất, xăng dầu; vận chuyển hàng hoá nguy hiểm… phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cử tri Bến Tre cũng đặt vấn đề “gốc của vấn đề bảo vệ môi trường là làm sao tạo ra thay đổi toàn diện về nhận thức và hành vi của toàn xã hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững.” Vì thế cần có giải pháp thay đổi toàn diện về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Trả lời kiến nghị cử tri về nội dung nêu trên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định để giải quyết “gốc” của vấn đề bảo vệ môi trường, Bộ đã trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ môi trường trong đó hoàn thiện các công cụ kinh tế thuế, phí, quy định đặt cọc hoàn trả, bao bì, sản phẩm, trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình cá nhân trong việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải phát sinh.
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường; hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường,…qua đó nhằm điều chỉnh, thay đổi các hành vi theo hướng có lợi cho môi trường, giảm phát thải ra môi trường của toàn xã hội.
Ngoài ra, Bộ này cũng đã tập trung xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; triển khai các giải pháp nhằm tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể… tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn đang tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường; mở rộng hệ thống đường dây nóng đến các cấp huyện, xã nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra.
Đặc biệt, trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường; tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động giám sát thường xuyên đối với các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước tại Kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết công tác bảo vệ môi trường được cử tri và Nhân dân ghi nhận.
Theo đó, về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cử tri và nhân dân ghi nhận Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, có nhiều nỗ lực trong kiểm soát, xử lý các vi phạm về xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn diễn ra phức tạp; rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ở các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý chất thải rắn còn khó khăn;… |