Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc vào sáng qua, ngày 20/10. Quốc hội kỳ này diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, đời sống người dân. Đặc biệt kéo theo đó, tình hình mưa bão, lũ chồng lũ với những hậu quả rất nghiêm trọng đang diễn ra ở các tỉnh miền Trung.
Cũng từ trong hoành hành của thiên tai, lộ ra những bất cập, hậu quả của nhân tai, những bất cập trong quản lý. Và những kiến nghị từ người dân đến các vị đại diện cho mình, từ cơ sở, đến nghị trường Quốc hội chắc chắn sẽ nhiều hơn, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ Quốc hội và các đại biểu.
Tại kỳ họp thứ 9, người dân đã gửi đến Quốc hội 2.390 kiến nghị (tăng 13,7% so với kỳ họp thứ 8). Kỳ họp này đã có 3.365 ý kiến, kiến nghi của cử tri gửi đến Quốc hội thông qua MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, ý kiến, kiến nghị của người dân đã tiếp tục tăng lên nhiều so với kỳ họp trước, thể hiện nhiều vấn đề bức xúc xã hội cần được quan tâm, giải quyết.
Nhiều vấn đề được người dân quan tâm, như các chính sách, biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình hình khó khăn dịch bệnh, lũ lụt hiện nay.
Giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác…; Từ vấn đề đôn đốc, giám sát, triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, cho đến những gói thầu mua sắm thiết bị y tế…
Một vấn đề được người dân luôn quan tâm, kiến nghị trong các kỳ họp là vấn đề tham nhũng, xử lý các vụ án tham nhũng, trong đó liên quan các dự án lớn thua lỗ, giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài.
Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó là trách nhiệm của những người đứng đầu, hành vi sai phạm, vi phạm của cán bộ, công chức…
Tại kỳ họp này, theo báo cáo, mặc dù do giãn cách xã hội từ dịch Covid-19 nhưng đã có 2.291 kiến nghị gửi đến Quốc hội được giải quyết, đạt 95,86%. Đây là điều rất đáng mừng. Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị của dân là việc phải làm, cần làm.
Người dân tham gia quản lý xã hội, giám sát sự quản lý xã hội và khi những vấn đề đặt ra, những phản ánh bất cập, bức xúc, tồn tại được xử lý, giải quyết kịp thời thì xã hội sẽ thực sự ổn định, phát triển.